Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí

27/09/2023 - 05:42

BDK - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra thời đại với những xu hướng vận động mới cho sự phát triển, cụm từ “chuyển đổi số” (CĐS) đã trở thành quen thuộc với nhiều ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí, truyền thông. Chính sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật, công nghệ, nhất là dưới tác động của CĐS, báo chí truyền thống đang đứng trước khó khăn, thách thức mới, đồng thời mở ra cơ hội quý báu cho báo chí chuyển mình, tự tin bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên báo chí số.

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Thọ trao giải báo chí về nông thôn mới. Ảnh: Thanh Đồng

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Thọ trao giải báo chí về nông thôn mới. Ảnh: Thanh Đồng

Nền tảng pháp lý

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Đối với truyền thông, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2021 - 2025 là: “Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí xuất bản, in, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mảng nội dung số, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu của người dân. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Sớm hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin lành mạnh”. Đồng thời, “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Quán triệt nội dung văn kiện của Đảng về báo chí, truyền thông, ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt CĐS báo chí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Để đạt các mục tiêu trên, chiến lược đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm để các đơn vị, địa phương triển khai, cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của cấp mình, trong đó tập trung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; chuyển giao, ứng dụng các nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để chiến lược nhanh chóng được triển khai thực hiện hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 2-6-2023 về ban hành Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Đây chính là công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng và trưởng thành CĐS báo chí của các cơ quan báo chí dùng chung trên phạm vi cả nước. Qua đó nhằm giúp cho từng cơ quan báo chí biết mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS để từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Tiếp đó, ngày 5-6-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí để hỗ trợ, dẫn dắt, thúc đẩy các hoạt động CĐS, tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng, phát huy vai trò, sứ mệnh của mình, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Những nội dung quan trọng trên trở thành nền tảng pháp lý cho việc chỉ đạo, định hướng quá trình CĐS của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và các địa phương, đơn vị nói riêng từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với từng cơ quan báo chí, thực hiện CĐS là tiến hành cuộc thay đổi về tổng thể, toàn diện từ phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, quy trình hoạt động sáng tạo, sản xuất tác phẩm báo chí. Chính điều đó đòi hỏi sự thay đổi quan trọng về tư duy, nhận thức, thái độ của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên của từng đơn vị. CĐS sẽ đưa các cơ quan báo chí hoạt động phát triển theo mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện tương thích với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa các hoạt động, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng thông tin, dư luận xã hội trong môi trường truyền thông số đang bùng nổ mạnh mẽ.

Xu thế tất yếu

CĐS báo chí không còn là sự lựa chọn “muốn hay không” mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với từng cơ quan báo chí. Là xu thế tất yếu của báo chí, mang đến sự thay đổi lớn lao, toàn diện, tiếp tục tác động vào các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thống, tạo ra môi trường truyền thông số trên nền tảng công nghệ hiện đại. Đây là bước đi mang tính chiến lược lâu dài, cần sự định hướng, hỗ trợ và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành liên quan, vừa triển khai tổ chức thực hiện, vừa cập nhật bổ sung, vừa linh hoạt điều chỉnh, bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Thư Kỳ

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Thư Kỳ

Để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cần quán triệt các văn bản, chủ trương của Trung ương, địa phương về CĐS báo chí nhằm tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện trước mắt và lâu dài, mang tính tổng thể, toàn diện và gắn với tình hình cụ thể của từng cơ quan báo chí. Xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp báo chí cách mạng trong bối cảnh mới.

Tiến hành khảo sát, đánh giá khái quát về thực trạng của các cơ quan báo chí theo các tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông để thấy mức độ trưởng thành CĐS trong tổ chức hoạt động, điều hành. Đặc biệt là việc xây dựng mô hình hội tụ ở các cơ quan báo chí truyền thông, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao tính tương tác, cung cấp những tiện ích tốt nhất cho công chúng, độc giả trong môi trường số.

CĐS báo chí mang đến nhiều cơ hội và thách thức, nhất là khi báo chí truyền thông phát triển gắn liền với Internet và công nghệ số, với nhiều nền tảng ứng dụng có số lượng người dùng lớn, “xóa mờ” ranh giới địa lý, hành chính đã thúc đẩy quá trình thông tin liên tục với quy mô rộng lớn giúp công chúng, độc giả tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, không gian. Do vậy, các cơ quan báo chí cần mạnh dạn thay đổi một cách quyết liệt nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, quyết định sự “sống còn” của cơ quan báo chí. CĐS là con đường báo chí cần phải tiến bước, chủ động triển khai, ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để sáng tạo, sản xuất, phát triển các sản phẩm báo chí số tương tích với nhiều nền tảng, bởi “ở đâu có người dùng ở đó sẽ có độc giả”. Khai thác tối đa lợi thế tài nguyên (dữ liệu thông tin) của mình để nâng cao hơn nữa chất lượng trải nghiệm, tương tác, phục vụ nhu cầu đa dạng công chúng một cách hiệu quả.

Để phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đã được đầu tư, đòi hỏi phát triển nguồn nhân lực chất lượng, có đủ kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường truyền thông số, chủ động đề xuất, trực tiếp tham gia quá trình sản xuất, sáng tạo tác phẩm báo chí hiện đại. CĐS báo chí lấy công nghệ làm trung tâm, hoạt động trong môi trường số, đội ngũ báo chí không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải vững vàng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tự giác chấp hành tốt các quy định, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị. Mỗi nhà báo phải luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, không ngừng học tập rèn luyện, kiên trì vượt qua trở ngại, sáng tạo nên những tác phẩm “giữ chân” được công chúng, độc giả trong môi trường truyền thông có tính cạnh tranh cao. Do đó, các hoạt động hội nhà báo cần được thay đổi cho phù hợp xu thế mới, xây dựng đội ngũ hội viên, tổ chức hội vững mạnh, ngày càng phát triển, hoàn thành tốt sứ mệnh, trách nhiệm trong giai đoạn mới.

“CĐS là một hành trình không có điểm dừng, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng cập nhật, đổi mới, cải tiến và đón nhận cái mới để bắt kịp xu hướng thời đại. Do đó, muốn thực hiện thành công CĐS báo chí, các cơ quan báo chí cần có tư duy đột phá, chiến lược dài hạn cho cả quá trình CĐS.

Đối với CĐS, các cơ quan báo chí Bến Tre cần xem trọng việc thực hiện tốt ba yếu tố chính, đó là: nhận thức, kỹ năng và công nghệ. Trước hết là chuyển đổi nhận thức về CĐS một cách đồng bộ cho lãnh đạo cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cũng như nhân viên để sẵn sàng và quyết tâm cho quá trình CĐS của đơn vị. Tập trung nâng chất nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ số trong thực hiện nhiệm vụ cũng như cần được đầu tư có chọn lọc về trang thiết bị và công nghệ số phù hợp.

Thông qua hội thảo cũng là dịp gặp gỡ giữa các Hội Nhà báo thuộc Cụm thi đua Bắc sông Hậu. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự chủ động, tích cực tham gia CĐS của các cơ quan báo chí. Quyết tâm đưa báo chí tiến lên hoạt động theo phương thức hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển chung của một xã hội số trong tương lai. Từng bước xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước”.

(Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Thọ)

HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM TỈNH BẾN TRE

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN