Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh chính thức hoạt động từ tháng 10-2022. Ảnh: T. Đồng
Hệ thống chính quyền số phát triển đồng bộ
Nền tảng chính quyền số đã và đang tiếp tục được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển chính quyền số một cách tổng thể và toàn diện, với nền hành chính hiện đại, bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Hiện nay, có 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến huyện, 80% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và mạng Internet băng thông rộng. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã được cấp tài khoản và sử dụng thư điện tử công vụ @bentre.gov.vn. Văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) đều được triển khai dùng chung 1 phần mềm VNPT-iOffice thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã (gồm khối Đảng, đoàn thể và chính quyền) và thực hiện được chức năng liên thông văn bản 4 cấp từ Trung ương đến xã.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đồng loạt triển khai thực hiện ứng dụng chữ ký số vào văn bản điện tử để phát hành qua môi trường mạng. Các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến cấp xã, bộ phận một cửa cấp tỉnh cũng đã được cấp chữ ký số và được hướng dẫn ký số vào văn bản điện tử, ký số dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại đơn vị. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cũng đã tích hợp thành công dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của 3 nhà mạng (VNPT, Viettel, Mobifone) cho phép người dân, DN có thể ký số công cộng trên các tờ khai, mẫu đơn điện tử của các dịch vụ công trực tuyến tạo tính pháp lý cho các hồ sơ điện tử.
Đến nay, 100% TTHC đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, huyện, xã đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh (https://dichvucong.bentre.gov.vn) và tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hạ tầng số của tỉnh ngày càng được đầu tư phát triển. Hiện toàn tỉnh có 1.590 trạm thu phát sóng viễn thông (BTS), tăng 70 trạm so với cùng kỳ. Tổng số thuê bao di động trên 1,6 triệu thuê bao. Trên 1,1 triệu thuê bao Internet với trên 850 ngàn thuê bao băng rộng di động. Hơn 260 ngàn thuê bao băng thông rộng cố định. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư và hiện đại hóa. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh và đã kết nối thành công với trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), triển khai Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh kết nối với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC).
Văn phòng UBND tỉnh và 9 huyện, thành phố đã hoàn tất trang bị phòng họp trực tuyến, đảm bảo khả năng kết nối thông suốt qua mạng truyền số liệu chuyên dùng tỉnh đến tất cả các điểm cầu để phục vụ tốt cho các cuộc họp, truyền hình hội nghị kết nối từ Chính phủ đến cấp xã, phường phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Kinh tế số, xã hội số đạt bước tiến mới
Chương trình hỗ trợ các DN vừa và nhỏ CĐS đang được tỉnh quan tâm đẩy mạnh, với nhiều giải pháp. Toàn tỉnh có 177 DN công nghệ số cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Hơn 1 ngàn DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có sử dụng nền tảng số. Hơn 90% DN đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ lệ DN có website sử dụng tên miền “.vn” đạt 30%.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu kiểm tra hệ thống thiết bị của Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh. Ảnh: T. Đồng
Sàn thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre đã xây dựng và đang vận hành, với gần 73 gian hàng và 240 sản phẩm của các DN trong tỉnh kinh doanh, quảng bá sản phẩm đặc sản, chủ lực, đạt chứng nhận OCOP. Hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả đến nay, có 8 hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử Postmart và Voso. Các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt được chính quyền và các tổ chức đoàn thể thông tin cho người dân, triển khai và hướng dẫn ứng dụng rộng khắp.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 9 tổ CĐS cộng đồng cấp huyện, 129 tổ CĐS cộng đồng cấp xã và 427 tổ CĐS cộng đồng cấp khu phố, ấp, với gần 3 ngàn thành viên tham gia. Tổ CĐS cộng đồng trở thành lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, gần dân, sát dân và là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo về CĐS của tỉnh, huyện đến khu phố, ấp, tổ nhân dân tự quản của các xã, phường, thị trấn.
Các sở, ngành, đơn vị triển khai quyết liệt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực số, tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS đến rộng rãi nhiều đối tượng từ cán bộ, công chức, viên chức các cấp tỉnh, huyện, xã, tổ CĐS cộng đồng, cơ sở kinh doanh, DN, đoàn viên, thanh niên và tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân thông qua nhiều hình thức, giải pháp như: tuyên truyền trực quan, thông qua tổ chức hội nghị triển khai trực tiếp và trực tuyến, các cuộc họp tổ nhân dân tự quản hàng tháng, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Qua đó, góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, DN về kiến thức CĐS để nâng dần sự hưởng ứng thực hiện.
DN, người dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi nhận thức về CĐS, bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình CĐS, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ CĐS và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS, với các hoạt động như: giao dịch điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các ứng dụng phòng chống dịch Covid-19; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics, công nghiệp đã có những kết quả CĐS bước đầu. Ngành giáo dục hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh của ngành. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CĐS ngành văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển toàn diện trên yêu cầu CĐS.
Trong năm 2023, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường hành động trên cơ sở phân công rõ đầu việc, cá nhân hóa trách nhiệm để thực hiện CĐS, gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, phát huy tính chủ động, huy động nguồn lực để thực hiện CĐS, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh, lấy người dân làm trung tâm, làm đối tượng thụ hưởng thành quả từ quá trình CĐS. |
Thanh Đồng