|
Chen chúc khám bệnh BHYT |
So với quy định hiện nay, có nhiều điểm mới trong Luật đang được xã hội rất quan tâm như: tăng mức đóng BHYT; đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhiều mức khác nhau…
Mức đóng tăng 1,5 lần
Bà Tống Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Mức đóng BHYT tăng 1,5 lần so với mức đóng hiện hành, tương đương với 4,5% tiền lương tối thiểu. Riêng học sinh, sinh viên đóng BHYT, áp dụng cho tất cả các bậc học bằng 3% lương tối thiểu. Ngân sách Nhà nước đảm bảo cho người nghèo, người có công, người cao tuổi... và giảm mức đóng khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ngân sách cũng hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng đối với hộ cận nghèo, tối thiểu 30% đối với học sinh sinh viên và người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình”.
Theo bà Hương, từ ngày 1/10/2009, trẻ em dưới 6 tuổi bắt đầu được mua thẻ BHYT. Như vậy, việc thanh toán chi phí khám - chữa bệnh (KCB) cho trẻ sẽ không qua thực thanh thực chi như trước. Để đảm bảo quyền lợi được liên tục KCB bằng BHYT cho các cháu bé trên 72 tháng tuổi nhưng chưa đi học lớp 1, đối tượng này sẽ mua BHYT tự nguyện, mức thu sẽ được thống nhất trong thời gian tới.
Theo quy định mới, quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản vẫn giữ nguyên, nhưng có bổ sung quyền lợi đối với người nhiễm HIV/AIDS, khám sàng lọc và chẩn đoán sớm một số bệnh. Tuy nhiên, có một điểm mới được người tham gia BHYT quan tâm đó là việc áp dụng đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh theo các mức khác nhau, theo các tuyến hạng bệnh viện khác nhau, theo các nhóm đối tượng khác nhau. Cụ thể, quỹ sẽ thanh toán theo 3 mức: Thanh toán 100% được áp dụng với trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, một số đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, công an, KCB tại tuyến xã, chi phí một lần KCB thấp hơn 15% lương tối thiểu, tức là 97.500 đồng; Thanh toán 95% dành cho người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; Còn các đối tượng khác sẽ được quỹ thanh toán 80%.
Bên cạnh đó, trừ trường hợp cấp cứu, nếu người bệnh không đi khám đúng cơ sở KCB ban đầu hoặc KCB không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, quỹ sẽ thanh toán theo 3 mức: 70% đối với cơ sở KCB hạng III (tuyến huyện); 50% đối với cơ sở hạng II (tuyến huyện); 30% đối với hạng I (tuyến T.Ư) và hạng đặc biệt (Bệnh viện Bạch Mai). Trường hợp KCB sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn thì quỹ BHYT thanh toán theo các mức trên, nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ đó.
Đồng chi trả chi phí
Chỉ những người có thẻ BHYT có hiệu lực thực hiện từ 1/10/2009 mới phải áp dụng quy định mới của Luật BHYT trong ba tháng cuối năm 2009. Những người đã tham gia BHYT từ đầu năm và thẻ có giá trị đến cuối năm 2009 vẫn thực hiện theo quy định hiện hành đến hết tháng 12/2009 và từ 1/1/2010 mới phải thực hiện việc cùng chi trả. |
Theo quy định, các cơ sở KCB được sử dụng 60% tiền kết dư phục vụ KCB BHYT tại địa phương thông qua mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị; tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ y tế và các ngành liên quan đến thực hiện chính sách BHYT tại địa phương. Cơ sở KCB ban đầu ở tuyến xã phải đảm bảo là trạm đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tại vùng sâu, vùng xa mà y tế xã chưa đạt được chuẩn, giám đốc sở y tế sẽ chỉ định cơ sở KCB ban đầu đạt tiêu chuẩn cho người dân ở địa phương đó. Bên cạnh đó, danh mục thuốc được thanh toán BHYT sẽ tiếp tục được bổ sung, nhất là danh mục KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với người nghèo, mắc bệnh mãn tính, phải điều trị kéo dài mà theo quy định vẫn phải cùng chi trả 20%, sẽ có nguồn quỹ khác hỗ trợ thêm, như Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Vòng tay nhân ái, Quỹ tương trợ...
Trước băn khoăn liệu có thể kiểm soát được việc đồng chi trả không, bà Hương khẳng định: “Để kiểm soát việc thực hiện đồng chi trả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người tham gia BHYT, ngành y tế, cơ quan quản lý quỹ… và đặc biệt cần phải có những quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đồng chi trả của các đơn vị liên quan. Mục đích của việc đồng chi trả chính là nhằm tăng cường trách nhiệm của người tham gia trong việc kiểm soát chi trả chi phí khám chữa bệnh, tránh lãng phí. Đồng thời, tạo sự công bằng trong việc hưởng lợi từ dịch vụ BHYT của các nhóm đối tượng khác nhau như: đối tượng thuộc diện chính sách thì mức chi trả thấp, còn với những đối tượng có khả năng chi trả thì sẽ phải chi trả mức cao hơn. Đặc biệt, với mức đóng hiện hành là 3%, quỹ đã rơi vào tình trạng thâm hụt. Vì thế, việc thực hiện đồng chi trả sẽ góp phần chia sẻ đối với quỹ BHYT”./.