Quản lý lỏng lẻo
Trước năm 1975, phần đất Trạm Y tế xã Định Trung có nguồn gốc do ông Trần Văn Chiêu, ngụ ấp 4 (Tân Định) trao đổi với chính quyền (cũ) để làm nhà hộ sinh. Sau năm 1975, chính quyền cách mạng vẫn sử dụng đất này làm nhà hộ sinh và đổi tên thành Trạm Y tế. Ngoài phần đất đã trao đổi, ông Chiêu còn cho bà Trần Thị Kim Liên (bà mụ Liên) đang làm việc tại đây cất nhà ở trên đất của ông. Quá trình sử dụng, bà Liên tự ý cất một căn nhà sau (nằm trên phần đất của Trạm Y tế).
Ngày 21-7-1994, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 496/QĐ-UB “V/v thu hồi và giao đất để xây dựng trạm y tế xã”, thu hồi 684m2 đất thuộc một phần thửa 2154, tờ bản đồ số 1 của UBND xã Định Trung quản lý, giao cho UBND xã sử dụng để xây dựng trạm y tế xã; đồng thời UBND xã có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng làm thủ tục đo đạc, đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích (quyết định nêu rõ: “cấm chuyển nhượng cho bất cứ đơn vị, tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào khác”). Năm 1995, Trạm Y tế Định Trung (Trạm) được cấp trên đầu tư kinh phí để xây dựng thành Trạm Y tế liên xã Định Trung-Phú Long, UBND xã đã cử cán bộ đến làm việc, động viên bà Liên giao lại diện tích đất đã tự ý cất nhà trước nay (có lập biên bản ngày 2-10-1995). Sau biên bản này và hơn một năm, kể từ ngày UBND tỉnh ra quyết định giao đất, cán bộ địa chính cùng lãnh đạo UBND xã Định Trung đã không làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN.QSDĐ) cho Trạm, cũng không áp dụng các biện pháp cần thiết đối với bà Liên. Chính sự “hời hợt” trong quản lý cùng sự thiếu quan tâm của UBND xã đã làm thất thoát đất công.
Để đất công “biến” thành đất tư?
Năm 1996, Trạm Y tế xã Định Trung được Làng Hòa bình Quốc tế Oberhausen và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ xây dựng mới (nhưng không hết diện tích được cấp). Thời gian này, ngày 1-3-1996, bà Trần Thị Kim Liên được UBND huyện Bình Đại cấp GCN.QSDĐ, diện tích 251 m2 đất thổ cư, thuộc thửa 3360, tờ bản đồ số 1, xã Định Trung (số vào sổ cấp GCN.QSDĐ: 633 QSDĐ/39 QĐ-UB), phần đất được cấp này lấn qua phần đất của Trạm nhưng lãnh đạo cùng nhân viên Trạm không hề hay biết. Năm 2003, bà Liên xây nhà lấn qua phần đất của Trạm (7,7m x 1,5m = 11,55 m2), UBND xã Định Trung có lập biên bản hiện trường và thông báo đình chỉ thi công vào ngày 22-4-2003.
Năm 2006, Đoàn đo đạc 301 tiến hành đo đạc lại bản đồ địa chính, UBND xã vẫn không tiến hành làm thủ tục để cấp GCN.QSDĐ cho Trạm. Ngày 11-5-2007, bà Nguyễn Thị Lệ-Trưởng Trạm Y tế xã Định Trung đứng đơn xin cấp GCN.QSDĐ, diện tích 640,6 m2, thuộc thửa 31, tờ bản đồ số 35. Trước đó một ngày (10-5-2007), bà Liên có đơn xin cấp lại, đổi GCN.QSDĐ với diện tích 128,6m2 thuộc thửa 30, tờ bản đồ 35 (năm 1996 bà Liên đã được cấp GCN.QSDĐ diện tích 251m2, thửa số 3360, tờ bản đồ số 1, thực tế bà Liên đã được cấp vượt (sai) lấn qua phần đất của Trạm 122,4m2), nên hồ sơ xin cấp GCN.QSDĐ của Trạm phải bị “neo” lại.
Ngày 24-4-2008, ông Đặng Văn Đua (con rể bà Liên), với lý do nhà ở quá chật hẹp và năm 1995 bà Liên có làm giấy giao phần đất diện tích 128m2 để UBND xã Định Trung xây dựng trạm y tế nên gửi đến UBND xã Định Trung “Đơn xin mượn tạm đất thổ cư” (?), xin được xem xét cho “được tạm mượn lại” diện tích 50 m2 (ngang 5m x dài 10m). Ngày 25-6-2008, tại cuộc họp do UBND xã Định Trung tổ chức, ông Đua vẫn giữ ý định “mượn lại đất” vì năm 1996 bà Liên đã có “sổ đỏ” và gửi đơn đến cơ quan chức năng huyện yêu cầu thực hiện theo giấy chủ quyền được cấp. Ngày 13-8-2008, UBND huyện Bình Đại có Văn bản số 931/UBND-TP, nội dung: Sau khi họp các ngành liên quan để xét về trình tự, thủ tục đăng ký và cấp GCN.QSDĐ cho bà Trần Thị Kim Liên, UBND huyện xác định việc cấp giấy chứng nhận cho bà là đúng theo quy định pháp luật, bà Liên có trọn quyền sử dụng trên diện tích đất được cấp. Lúc này, UBND xã Định Trung mới hối hả chạy tìm những người lớn tuổi biết rõ sự việc để xác minh nguồn gốc đất, dẫn đến việc khiếu nại UBND huyện Bình Đại lấy đất công cấp cho gia đình bà Trần Thị Kim Liên (!).
CẦN NGHIÊM TÚC SỬA SAI
Tại hiện trường, chỉ bức tường đã bị bà Liên xây chắn ngang ranh (trong đó có nhà vệ sinh của Trạm), Trưởng Trạm Y tế Định Trung-bác sĩ Nguyễn Thị Lệ bức xúc: “Hôm bà Hai Liên xây hàng rào bít phần đất của Trạm, tôi rất buồn. Dân mình giờ rất tiến bộ, nhiều người đã hiến đất để xây trường, trạm nhưng trường hợp này… tôi không hiểu vì sao?”.
Theo nhiều người (là dân sống lâu năm tại địa phương) như bà Hồ Thị Cầm, ông Huỳnh Ngọc Huệ, bà Trần Thị Mỹ, ông Đặng Văn Thôn, ông Đặng Văn Oanh… xác nhận, phần đất phía sau nhà bà Liên (hiện đã xây tường chắn ngang) trước đây là của Trạm Y tế xã Định Trung, nhưng diễn biến của việc cấp GCN.QSDĐ cho bà Liên ra sao, họ không rõ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tu-Chủ tịch UBND huyện Bình Đại khẳng định: “Quyết định giao đất số 496 của UBND tỉnh năm 1994 chưa cụ thể, rõ ràng về ranh giới tứ cận nên khó xác định. Theo báo cáo của các ngành liên quan, về trình tự, thủ tục cấp GCN.QSDĐ cho bà Liên hoàn toàn đúng. UBND xã Định Trung quản lý thiếu chặt chẽ lại không có cơ sở pháp lý chứng minh về chủ quyền đối với thửa đất trên”.
Qua xác minh, hồ sơ xin cấp GCN.QSDĐ của bà Trần Thị Kim Liên đã được Hội đồng xét cấp GCN.QSDĐ của xã Định Trung (11 người), do ông Trần Văn Phê (nguyên Chủ tịch UBND xã) làm Chủ tịch Hội đồng, ông Trần Đình Hảo (nguyên cán bộ Địa chính xã) làm ủy viên thư ký cùng các thành viên là cán bộ các ban ngành, đoàn thể xã và ấp cùng xét duyệt, làm tờ trình (Tờ trình số 179/TT-UB ngày 1-10-1995) đề nghị UBND huyện cấp GCN.QSDĐ. Theo đó, có 1.467 hộ đủ điều kiện cấp trên tổng số 1.502 hộ gửi đơn (trong đó hồ sơ của bà Liên nằm ở số thứ tự trình duyệt là 648), được UBND huyện Bình Đại ra quyết định công nhận ngày 1-3-1996. Riêng bà Liên được cấp GCN.QSDĐ 251m2 đất thổ cư, thuộc tờ bản đồ số 1, thửa 3360.
Xét về thủ tục pháp lý, việc cấp GCN.QSDĐ cho bà Liên là đúng. Nhưng việc xét cấp giấy này có nhiều nghi vấn, bởi lẽ: phần đất được cấp này đã lấn (bao chiếm) sang phần đất được UBND tỉnh Bến Tre giao để sử dụng vào việc xây dựng Trạm Y tế xã Định Trung (theo Quyết định số 496/QĐ-UB ngày 21-7-1994, diện tích 684m2); lời xác nhận của những nhân chứng sống và các biên bản mà UBND xã Định Trung lập về việc bà Liên lấn chiếm đất, cam kết giao trả lại đất của bà vào năm 1995 và những biên bản liên quan khác (cụ thể biên bản ngày 2-10-1995), việc ông Đua làm đơn xin mượn đất… và nhiều bức xúc của quần chúng nhân dân xung quanh việc cấp GCN.QSDĐ này.
Chính sự quản lý lỏng lẻo, thiếu quan tâm của lãnh đạo địa phương mà “vô tình” phần đất công hơn 120m2 (mặt tiền) đã trở thành sở hữu của hộ cá nhân. Vì sao trong thời gian dài, từ khi được UBND tỉnh Bến Tre giao đất để xây dựng Trạm Y tế Định Trung (cơ quan trực tiếp quản lý là UBND xã Định Trung) lại không làm thủ tục để cấp GCN.QSDĐ cho Trạm? Vì sao bà Trần Thị Kim Liên lại được Hội đồng xét cấp GCN.QSDĐ xét duyệt cấp đất (251m2, lấn sang phần đất của Trạm đã được UBND tỉnh công nhận). Mong rằng, các cơ quan chức năng cần sớm làm sáng tỏ vấn đề này.