Ông Trần Văn Cù (Ba Tri) có nhu cầu tư vấn: Tháng 4-2005, dì út tôi là bà Nguyễn Thị Sang có cho tôi 600m2 đất để làm ao nuôi tôm, có làm giấy tờ viết tay, được các con của dì đồng ý ký tên và xác nhận của UBND xã. Đất này tiếp giáp với đất của mẹ tôi.
Tôi canh tác phần đất này được 6 năm rồi không làm nữa và cho người chị ruột tên Trần Thị Ái mượn làm ao nuôi cá (không có làm giấy tờ). Bà Ái cũng có mượn 300m2 đất của mẹ tôi (liền kề với đất của bà Sang) để nuôi cá.
Năm 2017, tôi mới xin bà Sang cho tôi làm thủ tục tách thửa 600m2 đất nói trên để đứng tên mình. Khi tới xã làm giấy, tôi mới phát hiện 600m2 đất này đã được bà Trần Thị Ái đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Bà Sang và các con của bà cho biết rằng không hề đứng tên sang nhượng hay tặng cho 600m2 đất này cho bà Trần Thị Ái.
Xin hỏi: Tôi phải làm gì để lấy lại 600m2 đất đã được dì ruột tôi là bà Nguyễn Thị Sang tặng cho (năm 2005), thủ tục gồm những giấy tờ gì?
Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại Mục 7, các điều 500, 501, 502 và 503 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng về QSDĐ là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
Nội dung của hợp đồng về QSDĐ không được trái với quy định về mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc thực hiện hợp đồng về QSDĐ phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc chuyển QSDĐ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai.
Theo như ông trình bày, tháng 4-2005, ông đã được người dì ruột là bà Nguyễn Thị Sang cho 600m2 đất để làm ao nuôi tôm, có làm giấy tay, được các con của dì đồng ý ký tên và có xác nhận của UBND xã. Thế nhưng ông chưa đăng ký QSDĐ theo quy định của Luật Đất đai nên hợp đồng này chưa phát sinh hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình sử dụng đất không có ai tranh chấp thì ông có thể đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trên thực tế, ông chỉ canh tác phần đất này được 6 năm (tức đến năm 2011) thì cho người chị ruột là bà Trần Thị Ái mượn canh tác và không có giấy tờ. Đến năm 2017, ông mới tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với 600m2 đất này thì được biết người chị ruột đã kê khai đăng ký và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trong khi dì ruột của ông và các con của dì (những người đã ký tên cho đất ông trước đây) không có ai ký tên sang nhượng hay tặng cho chị ông là bà Ái.
Để làm sáng tỏ việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Trần Thị Ái có đúng quy định của Luật Đất đai hay không, ông có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân địa phương (Ba Tri) yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho bà Trần Thị Ái và công nhận QSDĐ đối với diện tích 600m2 đất nói trên cho ông, theo sự thỏa thuận giữa ông với bà Nguyễn Thị Sang và các con của bà trước đây.
H.Trâm (thực hiện)