Đầu thú sẽ được khoan hồng

08/07/2011 - 07:50

Công tác truy nã là một trong những hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng công an nhân dân, được thực hiện bằng nhiều biện pháp nhằm phát hiện, bắt giữ, vận động các đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và phòng ngừa đối tượng truy nã tiếp tục phạm tội mới; góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Từ nhiều năm qua, Công an Bến Tre đã xác định truy nã tội phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm, trong đó việc vận động đối tượng truy nã ra đầu thú là biện pháp được ưu tiên thực hiện thường xuyên, liên tục và đã mang lại kết quả đáng phấn khởi. Hàng năm, số đối tượng truy nã bị bắt và ra đầu thú luôn tăng cao. Năm 2010, toàn tỉnh đã bắt và vận động đầu thú 67 đối tượng truy nã, trong đó có 24 đối tượng ra đầu thú. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đã bắt và vận động ra đầu thú 51 đối tượng, trong đó ra đầu thú là 14 đối tượng. Đặc biệt đã vận động được nhiều đối tượng truy nã thuộc loại nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ra đầu thú. Phần lớn các trường hợp ra đầu thú là nhờ có sự tác động rất lớn từ phía gia đình và người thân của các đối tượng bị truy nã.

Chị Trần Thị H, thường trú ở xã Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre) có chồng là Huỳnh Văn H phạm tội cố ý gây thương tích, sau đó bỏ trốn, bị Công an Giồng Trôm ra quyết định truy nã từ tháng 3-2011. Khỏi phải nói, ai cũng có thể hiểu được nỗi khắc khoải, lo âu và những vất vả mà chị H phải chịu đựng khi một mình bươn chải mưu sinh để nuôi sống cả gia đình, trong lúc chồng chị đã trốn đi biệt tăm, chỉ vì muốn né tránh sự trừng trị của pháp luật. Nhưng rồi một ngày, khi cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bến Tre đến trao thư kêu gọi đầu thú và giải thích chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với những người phạm tội bỏ trốn quay về trình diện, sau một đêm suy nghĩ và bàn bạc với gia đình, chị H đã quyết định phải tìm cách liên lạc với chồng, lúc này đang lẩn trốn tại Campuchia, để khuyên anh ra trình diện. Vài ngày sau, anh H quay về Việt Nam và ra đầu thú tại Công an huyện Giồng Trôm.

Võ Duy P thường trú tại xã Thành Triệu, huyện Châu Thành cùng với hai đối tượng khác phạm tội cướp tài sản. Sau khi gây án, hai tên đồng phạm đã bị bắt, riêng P bỏ trốn ra tận Đà Nẵng, bị Công an huyện Châu Thành truy nã. Cuối cùng biết không thể lẩn trốn mãi, được sự động viên của Công an huyện Châu Thành và gia đình, P đã ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Nguyễn Văn Nh thường trú ở xã An Hòa Tây (Ba Tri) cũng phạm tội cố ý gây thương tích, ngay sau đó vì sợ bị bắt nên đã bỏ trốn khỏi địa phương, theo tàu đánh cá lênh đênh trên biển, mới đây cũng đã ra đầu thú sau khi được công an và gia đình động viên, giúp đỡ. Do biết ăn năn, hối cải, thành khẩn nhận tội nên Nh được Công an huyện Ba Tri cho tại ngoại điều tra, chờ ngày ra tòa. Dẫu sắp tới phải chịu sự chế tài của pháp luật nhưng anh vẫn cảm thấy trong lòng rất thanh thản, bởi đã trút được gánh nặng về mặt tâm lý của những tháng ngày lẩn trốn sự tầm nã của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trên thực tế, không phải kẻ bị truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú, nhất là khi chúng đã cao chạy xa bay hoặc tạo được một vỏ bọc an toàn nơi xứ lạ quê người. Thế nhưng, dù có lẩn trốn tài giỏi đến đâu, cũng có ngày bị nhân dân phát hiện, bị công an lần ra manh mối và phải trả giá trước pháp luật mà không còn điều kiện để được giảm nhẹ hình phạt như những người ra đầu thú. Pháp luật nước ta nghiêm trị những kẻ phạm tội ngoan cố nhưng luôn khoan hồng, bao dung đối với những người phạm tội biết ăn năn, hối cãi.

“Những ngày lẩn trốn là khoảng thời gian đen tối nhất đời em, bởi sống không ra sống, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, thấy ai nhìn mình lâu cũng đâm lo, đêm ngủ không yên, nghe tiếng động là giật mình và phải thay đổi chỗ ở thường xuyên. Giờ đây, khi ra đầu thú, được công an đối xử tử tế, em rất yên tâm, không còn lo sợ như trước đây”- Trong trại giam, Võ Duy P thố lộ.
 

Thanh Liêm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN