Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm đa dạng hóa mỹ phẩm từ dầu dừa

24/03/2021 - 06:45

Một số sản phẩm chăm sóc cá nhân từ nguồn nguyên liệu dầu dừa.  Ảnh: KT

Một số sản phẩm chăm sóc cá nhân từ nguồn nguyên liệu dầu dừa.  Ảnh: KT

Bến Tre có nguồn cung cấp các sản phẩm từ dừa lớn nhất Việt Nam. Đa số là nước dừa, sữa dừa, dầu dừa, nước cốt dừa, cơm dừa sấy khô… đạt các tiêu chuẩn quốc tế và phục vụ thị trường của hơn 40 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu trong phát triển ngành dừa của tỉnh là đẩy mạnh đầu tư phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu mạnh trên thị trường; hoàn thành các đề án nghiên cứu khoa học phục vụ cho chế biến dừa. Vì vậy, đầu tư nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân (dầu gội, sữa tắm và sữa rửa mặt) có chất lượng cao và chăm sóc sắc đẹp từ nguồn dầu dừa là đòi hỏi ngày càng tăng của thị trường nhằm nâng cao giá trị sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương.

Từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, tỉnh đã phê duyệt kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân từ nguồn nguyên liệu dầu dừa tỉnh Bến Tre”, do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Đề tài đã chuẩn bị và đánh giá tính chất hỗn hợp xà phòng thô ban đầu gồm các yếu tố cho thấy ngoại quan có màu trong suốt, mùi đặc trưng của xà phòng từ dầu dừa, hàm lượng chất khô đạt 47%, giá trị pH là 10,3, độ nhớt đạt 0,975 P, khả năng tạo bọt đạt 0,432ml, độ bền bọt sau 30 phút đạt 0,375ml và bền trong 35 phút, bọt nhiều và to, tạo cảm giác khô da. Hỗn hợp xà phòng thô này được bảo quản các điều kiện khác nhau như lưu nhiệt, sốc nhiệt và ly tâm để đánh giá lại các yếu tố trên. Kết quả cho thấy không có sự thay đổi về màu sắc, mùi hương, cấu trúc hệ, còn các yếu tố hàm lượng chất khô, giá trị pH, độ nhớt, khả năng tạo bọt, độ bền bọt sau 30 phút thay đổi không đáng kể trong giới hạn cho phép.

Đề tài đã hoàn thiện khảo sát các sản phẩm sữa tắm, dầu gội và sữa rửa mặt trên thị trường, tiến hành khảo sát hoàn chỉnh và lựa chọn các thành phần phù hợp để xây dựng công thức nền cho sản phẩm sữa tắm, dầu gội và sữa rửa mặt từ dầu dừa. Trong công thức đã bổ sung thêm các hoạt chất dưỡng ẩm như: glycerine, chất tạo bọt như CAPB, chất bảo quản và chống dị ứng như DMDM, sodium benzoat, allantoin. Từ đó, đề tài đã xây dựng hoàn thiện công thức nền và phát triển các công thức sản phẩm dầu gội, sữa tắm và sữa rửa mặt từ dầu dừa (hương hoa hồng, hương dừa, hương oải hương, hương lài, hương anh đào).

Đã tiến hành sản xuất thử nghiệm với các quy mô công suất: 1kg nguyên liệu/mẻ, 5kg nguyên liệu/mẻ, 25kg nguyên liệu/mẻ của sản phẩm dầu gội, sữa tắm và sữa rửa mặt từ dầu dừa. Đồng thời đánh giá chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm về tính chất ngoại quan, tính chất vật lý, tính chất cảm quan khi sử dụng sản phẩm; đánh giá khả năng kháng khuẩn, khả năng kích ứng da, tính mẫn cảm da và đánh giá chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Nhóm thực hiện đã nghiên cứu tính toán và hoàn thiện 1 thiết bị sản xuất dầu gội, sữa tắm và sữa rửa mặt từ dầu dừa quy mô 50 lít/mẻ và sẽ vận hành 100 lít/ngày, thiết bị sản xuất hoàn chỉnh và đã chuyển giao thành công cho Công ty TNHH Chế biến dừa Cửu Long. Tiến hành tập huấn và chuyển giao quy trình sản xuất, công thức sản phẩm, sản xuất 3 sản phẩm dầu gội, sữa tắm và sữa rửa mặt từ dầu dừa tại doanh nghiệp. Đồng thời, đánh giá lựa chọn bao bì phù hợp, thiết kế nhãn hiệu phù hợp cho sản phẩm và đánh giá thị hiếu của người tiêu dùng đối với sản phẩm dầu gội từ dầu dừa tại địa phương.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã công bố thành công 3 bài báo khoa học trên hội nghị khoa học quốc tế và tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCOPUS, hướng dẫn thành công 5 sinh viên đại học và tham gia quảng bá hình ảnh sản phẩm từ đề tài nghiên cứu tại các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước (Siêu thị Dừa Bến Tre, Techfest Mekong 2020, hội thảo khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức…).

Như vậy, việc hoàn thiện các công nghệ sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân (dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt) từ nguồn nguyên liệu dầu dừa tỉnh một cách đầy đủ, nhằm xây dựng được bài toán thích hợp về công nghệ cần áp dụng cũng như các vấn đề đầu ra cho nguồn nguyên liệu dầu dừa tại địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân, nâng cao giá trị sử dụng, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Phòng quản lý khoa học Sở Khoa học và Công nghệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích