Cục Thi hành án dân sự tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự và triển khai chương trình công tác thi hành án dân sự năm 2012. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Kim Chiến - Phó Vụ trưởng - Phó trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP. Hồ Chí Minh cùng các cán bộ, nhân viên, chấp hành viên ngành thi hành án tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.H
Qua hai năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn, công tác thi hành án dân sự ở Bến Tre đã đạt nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ giải quyết việc án thi hành xong và giá trị tiền thu được ở mức cao. Cụ thể: năm 2008, ngành đã thi hành 84,28% về việc án, 69,26% về số tiền trên số vụ án có điều kiện thi hành; năm 2009, đạt 90,27% về việc án, 79,09% về số tiền trên số vụ án có điều kiện thi hành; năm 2010, đạt 93,5% về việc án, 79,35% số tiền trên số vụ án có điều kiện thi hành. Đặc biệt, năm 2011, toàn tỉnh thụ lý 9.813 việc án (tăng 696 việc so với năm 2010), phải thi hành 177,434 tỷ đồng (tăng 23,184 tỷ đồng so với năm 2010). Kết quả, thi hành xong 6.802/7.640 vụ việc án có điều kiện thi hành, tương ứng với 49,648/63,944 tỷ đồng có điều kiện về tài sản và nguồn thu nhập để thi hành. Tuy nhiên, số lượng công việc nhiều, nhân sự lại thiếu, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đang gặp không ít khó khăn, bình quân, ngành thụ lý từ tám ngàn đến mười ngàn việc án. Hiện, toàn ngành có 107 cán bộ, trung bình mỗi chấp hành viên phải thụ lý 300 vụ việc án/năm. Luật Thi hành án dân sự là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay trên lĩnh vực thi hành án dân sự nhưng qua thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế: mức xử phạt hành chính, quyền hạn của chấp hành viên, thẩm tra viên chưa đủ mạnh đối với người được thi hành, người phải thi hành án; quy định đối tượng xét miễn giảm còn bỏ ngõ, thời gian quá dài làm án tồn đọng tăng; một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở… chưa nhất quán với Luật Thi hành án dân sự… Bên cạnh đó, những bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa rõ ràng, chấp hành viên không thể tổ chức thi hành. Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động đặc thù, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đoàn thể quần chúng, nhưng do chưa thống nhất nên còn quan niệm thi hành án dân sự là nhiệm vụ riêng của cơ quan thi hành án.
Năm 2012, ngành thi hành án dân sự của tỉnh đặt mục tiêu phải đạt tỷ lệ thi hành xong 86% về việc án và 66% về tiền so với số việc, số vụ có điều kiện thi hành. Đặc biệt, phấn đấu kéo giảm đạt 10% về việc, 5% về tiền so với số việc, số tiền năm 2011 chuyển sang ở thời điểm ngày 30-9-2011.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, ngành thi hành án dân sự cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự sâu rộng đến các cấp, các ngành nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm túc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án; củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức từ tỉnh đến huyện đủ sức đảm đương, hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp thi hành dứt điểm các bản án, quyết định đã có hiệu lực. Chấp hành viên phải đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thượng tôn pháp luật, kiên quyết thi hành những vụ án có điều kiện thi hành; kiên trì thuyết phục, vận động quần chúng cùng tham gia đấu tranh với người thi hành án để họ tự nguyện, tự giác thi hành án. UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.