Chị Nguyễn Thị Vàng (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Ông bà ngoại tôi có 4 người con, gồm mẹ tôi là chị cả và 3 người cậu. Bà ngoại tôi chết năm 2015 không để lại di chúc. Cậu út tôi bị khờ bẩm sinh. Nay ông ngoại tôi muốn lập di chúc để lại di sản thừa kế cho người cậu thứ 3.
Xin hỏi: Ông ngoại tôi muốn lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản cho cậu thứ 3 như vậy có được không? Vậy mẹ tôi cùng cậu thứ 4 và cậu út có được chia thừa kế hay không? Chúng tôi phải làm sao?
Thắc mắc của chị được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, nếu tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng riêng của ông ngoại chị, thì ông có quyền lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản đó mà không cần sự đồng ý của các con.
Trường hợp tài sản đó được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của ông và bà ngoại chị (trừ trường hợp tài sản đó được cho riêng, thừa kế riêng), thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu của chung của ông bà. Nếu ông ngoại chị muốn lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản thì phải có sự đồng ý của bà ngoại chị (nếu bà còn sống); nếu bà đã chết thì cần phải có sự thỏa thuận của tất cả những người được hưởng thừa kế đối với phần di sản của bà để lại.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 650 BLDS thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Bà ngoại của chị chết năm 2015 nhưng không để lại di chúc, khối tài sản chung của ông bà ngoại sẽ được phân theo pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 651 BLDS thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b.…………………..
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy, di sản của bà ngoại chị để lại sẽ phân chia như sau: ½ di sản là của ông ngoại trong khối tài sản chung của ông bà, ½ di sản còn lại sẽ được chia đều cho 4 người con và chồng (là ông ngoại).
Sau khi di sản của bà ngoại được phân chia, phần tài sản của ông ngoại được nhận (gồm phần tài sản riêng của ông ngoại và phần tài sản được nhận thừa kế) thì ông có quyền định đoạt đối với tài sản riêng của mình (lập di chúc, tặng cho…) nhưng ông không thể lập di chúc để lại toàn bộ khối tài sản chung của ông và bà cho người cậu thứ 3 được. Trường hợp cậu út bị bị bệnh “khờ” bẩm sinh, thì gia đình chị cử người giám hộ để nhận phần thừa kế nói trên theo quy định của pháp luật.
Việc phân chia di sản thừa kế do những người cùng hàng thừa kế tự thỏa thuận phân chia. Nếu không thỏa thuận được thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu tòa án (nơi có di sản thừa kế) giải quyết.
Đức Chính (thực hiện)