Đo đạc đất đai cần phục vụ tốt hơn cho công tác xét xử và thi hành án dân sự

05/11/2010 - 08:30

Rất nhiều vụ án đưa ra xét xử có liên quan đến đất đai. Rất nhiều bản án khi ngành thi hành án tổ chức thi hành cần có số liệu, vị trí chính xác của các thửa đất mà bản án tuyên. Vì thế, công tác đo đạc đất đai là một yếu tố quan trọng trong phục vụ công tác xét xử và thi hành án dân sự.

Những năm qua, ngành tài nguyên môi trường (trước đây là ngành địa chính) đã có nhiều cố gắng đo đạc đất đai phục vụ tốt cho công tác xét xử và thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trước áp lực của công việc ngày càng nhiều, thời gian gần đây công tác đo đạc đất đai có biểu hiện đáp ứng không kịp thời, một số ít trường hợp thiếu chính xác trong phục vụ cho công tác xét xử và thi hành án dân sự. Đến cuối tháng 8-2010, tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh phải tạm đình chỉ trên 400 vụ án, trong đó có khoảng 50% do chờ đo đạc đất đai, định giá tài sản. Trong số vụ án tạm đình chỉ do chờ kết quả đo đạc đất cũng có nhiều dạng: chậm đo đạc, tiến hành đo đạc không được do chủ đất ngăn cản không cho đo đạc hoặc hai bên tranh chấp đều không xác định được ranh giới, mốc giới. Cũng có một số trường hợp đã có kết quả đo đạc đất đai nhưng đương sự không đến lấy giấy báo kết quả hoặc đã lấy kết quả nhưng chậm nộp tòa án, cá biệt có trường hợp làm mất giấy báo kết quả đo đạc.
Để khắc phục tình trạng chậm trễ, tồn đọng xét xử các vụ án và thi hành án cần có trách nhiệm tốt hơn, cải tiến phương pháp làm việc và phối hợp chặt chẽ hơn của nhiều cơ quan, đối tượng có liên quan.
Đóng vai trò chủ yếu trong công tác đo đạc đất đai là ngành tài nguyên- môi trường các cấp, ban lãnh đạo, cấp ủy cơ quan tài nguyên- và môi trường cần giáo dục động viên để cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thấy được yêu cầu, ý nghĩa của công tác đo đạc đất đai phục vụ cho công tác xét xử và thi hành án dân sự là góp phần làm ổn định trật tự xã hội, bảo đảm kỷ cương, pháp luật. Khi tòa án có yêu cầu cung cấp họa đồ, hồ sơ đo đạc, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan tài nguyên - môi trường cần cung cấp nhanh, chính xác, đầy đủ. Chấn chỉnh công tác quản lý hồ sơ, tài liệu, phục hồi ngay những hồ sơ địa chính bị thất lạc. Chú ý tránh tình trạng kết quả sai lệch giữa đo đạc phục vụ xét xử và đo đạc phục vụ thi hành án trên cùng một thửa đất làm cho công tác thi hành bản án dân sự gặp khó khăn bế tắc.
Đối với ngành tòa án, cần cải tiến việc giao nhận hồ sơ yêu cầu đo đạc, định giá tài sản theo hướng có văn bản giao nhận và thời hạn thực hiện cụ thể. Quá thời hạn quy định, hai cơ quan (tòa án, tài nguyên - môi trường) phải gặp nhau để xác định nguyên nhân và trách nhiệm cho rõ. Giữa ngành tài nguyên - môi trường và ngành tòa án trước đây đã có biên bản liên ngành về các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đo đạc, định giá tài sản tranh chấp. Định kỳ thời gian, ngành tòa án chủ trì họp với các cơ quan có liên quan để kiểm điểm việc thực hiện biên bản liên ngành và qua thực hiện rút ra các vấn để cần bổ sung chấn chỉnh cho phù hợp thực tế và khả thi.
Từ nay đến cuối năm 2010, ngành tòa án cần thống kê, phân loại các vụ án dân sự tạm đình chỉ để tập trung giải quyết, nhất là các vụ án dân sự đã tạm đình chỉ từ 2 năm trở lên.
Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, nơi xảy ra các vụ kiện cần hỗ trợ tốt cho công tác đo đạc đất đai, để phục vụ tốt cho công tác xét xử và thi hành án dân sự. Đối với các trường hợp chủ đất không cho đo đạc cần tuyên truyền, giáo dục và nếu cần thiết thì tổ  chức lực lượng bảo vệ đo đạc. Nhắc nhở những người có liên quan đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của tòa án về thu thập chứng cứ từ kết quả đo đạc, định giá. Trong các cuộc họp làm việc định kỳ với các cơ quan nội chính, thường trực các huyện ủy, thành ủy cần đánh giá công tác đo đạc đất đai, định giá tài sản phục vụ xét xử và thi hành án dân sự và chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp một cách thiết thực, cụ thể để giải quyết các khó khăn vướng mắc, tồn đọng.

HÀ THANH NIÊN (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN