Đổi mới tư duy, tháo gỡ các rào cản, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư
31/10/2024 - 11:03
BDK.VN - Sáng 30-10-2024, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ.
Thảo luận tại Tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi 4 Luật Quy hoạch, Đầu tư, Đấu thầu và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đại biểu cho rằng lần sửa đổi này Chính phủ thể hiện tính quyết liệt, đổi mới tư duy, phân cấp mạnh mẽ và các đề xuất sửa đổi phản ánh thực tiễn đã rõ, đã chín; nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành các Luật này đã được Chính phủ đề xuất chỉnh sửa, sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu quan tâm đóng góp một số vấn đề.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch: Luật Quy hoạch đã được sửa đổi một lần vào năm 2019, hiện nay đang ở thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; các Quy hoạch cấp tỉnh vừa được phê duyệt, nhưng Kế hoạch thực hiện quy hoạch chưa có nhiều tỉnh được phê duyệt.
Theo đại biểu, quá trình xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch thực hiện diễn ra khá chậm (như Bến Tre, từ lúc Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa được phê duyệt Kế hoạch thực hiện vì phải trình giống như trình duyệt Quy hoạch).
Trong lần sửa đổi này, dự thảo sửa đổi Luật Quy hoạch có quy định Quy hoạch cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn Kế hoạch thực hiện quy hoạch thì được phân cấp về cho tỉnh phê duyệt, đây là điểm mới, phân cấp mạnh nên đại biểu đồng tình cao. Vì quy định mới này rất “trúng” vào chỗ vướng mắc hiện nay, có thể giải quyết được ngay vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Vướng mắc thứ hai trong thực hiện Luật Quy hoạch là quy trình thủ tục phê duyệt quy hoạch như thế nào thì việc điều chỉnh quy hoạch cũng phải tuân thủ quy trình thủ tục như vậy, mặc dù có những điều chỉnh rất nhỏ, không làm thay đổi quy mô, tính chất của quy hoạch.
Luật sửa đổi lần này cho phép áp dụng quy trình thủ tục rút gọn khi điều chỉnh quy hoạch do có các vấn đề mới phát sinh từ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các chủ trương của Trung ương về các dự án cấp bách, những dự án quan trọng cấp quốc gia, liên vùng… đại biểu ủng hộ việc điều chỉnh này vì rất phù hợp, thực hiện nhanh.
Thời gian qua, khi triển khai một số công trình trọng điểm quốc gia, đường cao tốc…xảy ra tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, nhưng việc cấp phép khai thác các mỏ cát tỉnh không thực hiện được do quy hoạch các mỏ cát này phân kỳ khai thác giai đoạn 2021 - 2025 hoặc 2026 - 2030, vì tính chất quan trọng, cấp bách phải đáp ứng cho các công trình trọng điểm nên tỉnh phải xin điều chỉnh quy hoạch để đưa vào khai thác, nhưng quy trình, thủ tục giống như phê duyệt quy hoạch, qua nhiều cấp nên mất rất nhiều thời gian, muốn làm nhanh cũng không được.
Về nguồn vốn chi cho việc lập quy hoạch, trước đây chỉ được phép bố trí vốn đầu tư công nhưng giờ dự thảo Luật cho phép sử dụng cả nguồn chi thường xuyên, đại biểu cho rằng việc bổ sung nguồn vốn này là phù hợp, các quy hoạch mang tính kỹ thuật chuyên ngành có thể sử dụng nguồn chi thường xuyên.
Trong quá trình lập kế hoạch thực hiện quy hoạch, vấn đề khó nhất là lập Danh mục dự án, lần sửa đổi này Luật cho phép lập “Danh mục dự án dự kiến”, đại biểu thống nhất cao.
Đại biểu đề nghị khi lập Danh mục dự án để triển khai thực hiện quy hoạch, “phần cứng” là các dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, cần được lập cứng mang tính dẫn dắt gắn với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; phần còn lại là danh mục các dự án dự kiến từ nguồn vốn xã hội hóa, nguồn này không thể nào xác định đúng, đủ ngay từ đầu được do phải phụ thuộc nhà đầu tư, cơ quan nhà nước chỉ có thể quy hoạch, định hướng khu vực, địa bàn sẽ tập trung phát triển ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn… để nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cách lập Danh mục dự án dự kiến như vậy sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.
Vấn đề cuối cùng liên quan sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu cho rằng quy hoạch phải được lập trước thời kỳ thực hiện. Thời gian qua nhiều tỉnh đã bị phê bình về việc xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch quá trễ. Luật cần quy định bắt buộc tất cả các khâu lập, thẩm định, duyệt quy hoạch phải diễn ra trước thời kỳ thực hiện. Cụ thể, đến năm 2030 thì sẽ có kỳ quy hoạch 2031 - 2040, tầm nhìn 2060, thì Quy hoạch này phải xong trong năm 2030. Cần phải quy định rõ như vậy để tăng cường trách nhiệm cho các cấp tập trung xây dựng, trình duyệt quy hoạch.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư,lần sửa đổi này Luật đã phân cấp, phân quyền rất mạnh.
Về thẩm quyền và thủ tục đầu tư, Quốc hội thời gian qua cũng đã phê duyệt một số Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, đối với các dự án đặc biệt quan trọng, có tính chất lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đại biểu đề nghị cần có quy trình, thủ tục thực hiện đặc biệt, nhanh để cho các nhà đầu tư tiếp cận.
Các dự án đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất trước đây đều phải trình Trung ương phê duyệt thì lần sửa đổi này đã phân cấp về cho UBND cấp tỉnh là rất phù hợp thực tiễn.
Về ưu đãi đầu tư, đại biểu tán thành việc Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Quỹ Hỗ trợ đầu tư được thành lập khi áp dụng chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, có những dự án lớn, dự án khoa học công nghệ, dự án công nghệ cao thì chúng ta sử dụng Quỹ này để hỗ trợ.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng không phải tỉnh, thành phố nào cũng có thể thu hút được các dự án lớn, dự án công nghệ cao, chỉ có những địa bàn kinh tế trọng điểm, khu vực phát triển, tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao mới thu hút được các dự án này.
Do đó, đại biểu đề xuất cần có chính sách ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực, địa bàn, các ưu đãi về cho thuê đất, về thuế....một cách cụ thể, rõ ràng hơn để thu hút đầu tư hiệu quả cho những vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đối với việc thuê đất trong khu, cụm công nghiệp, Luật Đất đai quy định phải đấu giá quyền thuê đất, nhiều tỉnh địa bàn khó khăn tổ chức đấu giá không được, không có doanh nghiệp tham gia, đất để trống thời gian dài gây bức xúc cho người dân.
Đề nghị chính sách ưu đãi đầu tư phải có sự hài hòa, thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư về việc cho thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp trên tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong xúc tiến, thu hút được các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp cho các khu công nghiệp (đã có tiêu chí thu hút, xét chọn rõ ràng), tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương; vấn đề không phải thu bao nhiêu từ việc thuê đất mà dự án tác động vào kinh tế - xã hội, cũng là chỉ dấu phát triển của địa phương,
Về chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã cấp, theo Luật Đầu tư hiện hành, thì sau khi được cấp chủ trương đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai, nếu sau 24 tháng mà nhà đầu tư không triển khai, bị xử phạt vi phạm hành chính rồi mà nhà đầu tư vẫn không khắc phục thì bị thu hồi.
Lần sửa đổi này, dự thảo Luật có quy định thoáng hơn, bổ sung quy định về trường hợp phải chấm dứt hoạt động đầu tư: “Sau 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư hoặc mục tiêu hoạt động của từng giai đoạn (nếu có) quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh mà nhà đầu tư vẫn không hoàn thành mục tiêu hoạt động này và không thuộc trường hợp được điều chỉnh tiến độ theo quy định, trừ trường hợp bị thu hồi đất quy định tại điểm d khoản này”.Đại biểu đề nghị về các trường hợp chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi chủ trương đầu tư, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, chặt chẽ và thống nhất với quy định về thu hồi đất của Luật Đất đai 2024.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Dự thảo Luật đưa vào một số cơ chế, chính sách đang thí điểm ở một số tỉnh, thành phố. Đại biểu cho rằng cơ chế đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở những địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn thì cho phép nâng tỷ lệ đóng góp của ngân sách lên 50-70% là phù hợp ở bình diện chung. Còn từng dự án do địa phương quyết định tỷ lệ đóng góp giữa Nhà nước và nhà đầu tư, thống nhất hạ quy mô tối thiểu.
Đối với các dự án BOT, sau thời gian thu phí, nhà đầu tư chuyển giao cho tỉnh, đại biểu đề nghị Luật bổ sung quy định cho tỉnh được phép tiếp tục thu phí để lấy nguồn duy tu, bão dưỡng công trình (cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện đang xuống cấp cần có nguồn duy tu, bảo dưỡng). Đối với hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Build - Transfer, gọi tắt là hợp đồng BT) hoàn tiền hoặc đổi đất lấy hạ tầng, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận đúng để mạnh dạn hơn.
Nhiều địa phương hiện rất e ngại, sợ tính không đúng, đủ giá trị đất đai nên không dám làm, vì vậy cần quy định sao cho vừa thu hút được nguồn lực mà các địa phương cũng dễ triển khai. Riêng làm BT thanh toán bằng tiền thì tốt nhất là địa phương đầu tư theo phương thức đầu tư công thông thường.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu thống nhất quy định việc đấu thầu mua sắm trực tiếp cho ngành y tế vì đây là ngành phải sử dụng xuyên suốt, liên tục thuốc và các vật tư y tế, nên đấu thầu một lần sẽ rất vất vả, nếu được phép mua sắm trực tiếp sẽ thuận lợi cho ngành y tế, giải quyết nhiều “nút thắt” về chậm cung ứng thuốc.
Về bổ sung quy định về “Đấu thầu trước” là việc thực hiện trước một số thủ tục trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài hoặc trước khi dự án được phê duyệt đầu tư nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không bao gồm các gói thầu cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án, đại biểu tán thành nhưng đề nghị cần quy định chặt chẽ vì dự án sử dụng vốn ODA thời gian đàm phán kéo dài, ký kết có thời gian cụ thể.
Hiện nay thực hiện hình thức đấu thầu qua mạng. Mặt được là đảm bảo công khai, minh bạch nhưng có tình trạng “làm đẹp hồ sơ” của các nhà thầu trên mạng, rất khó xác minh được thực, giả, nên cần quy định chặt chẽ để lựa chọn được nhà thầu có năng lực.
Đấu thầu hiện nay có hiện trạng bỏ giá rất thấp, ảnh hưởng chất lượng công trình sau này nếu không kiểm soát chặt chẽ, đại biểu đề nghị nên có quy định “giá sàn, giá trần” trong tổ chức đấu thầu để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu chính xác hơn.