- Người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng.
- Người không xử lý báo cáo, tố giác, tố cáo về hành vi tham nhũng.
- Người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
- Người thực hiện hành vi khác vi phạm quy định của Luật PCTN và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại Điều 69 Luật PCTN, người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Xử lý kỷ luật
Người có hành vi tham nhũng chưa đến mức xử lý hình sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc, bãi nhiệm…
Xử lý hình sự
Người có hành vi tham nhũng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, quy định 7 tội danh đối với tội tham nhũng gồm:
- Tội tham ô tài sản (Điều 278), Tội nhận hối lộ (Điều 279)
Đối với hai tội danh này, Luật quy định, mức hình phạt tù có thời hạn thấp nhất là hai năm tù (cao nhất 20 năm tù); người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Người phạm tội “Tham ô tài sản” còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ gia sản.
Người phạm tội “Nhận hối lộ” còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến 5 lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ gia sản.
- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280)
Mức hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội này là một năm tù, cao nhất là tù chung thân. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281)
Mức hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội này là bị cải tạo không giam giữ (đến 3 năm), cao nhất: 15 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
- Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282)
Mức hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội này là một năm tù, cao nhất: 20 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283)
Mức hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội này là một năm tù, cao nhất là tù chung thân. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến 5 lần số tiền hoặc tài sản đã trục lợi.
- Tội giả mạo trong công tác (Điều 284)
Mức hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội này là một năm tù, cao nhất: 20 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.