Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

13/05/2015 - 10:48

 

Chiều 12-5-2015, bà Trịnh Thị Thanh Bình - Đại biểu Quốc hội (khóa XIII), Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) sửa đổi. Tham dự, có đại diện lãnh đạo các cơ quan tỉnh: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, Viện Kiểm sát, Công an, Tòa án, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Thuế, Hội Luật gia; đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát, Tòa án TP. Bến Tre.  

 

 

 

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị . Ảnh: ĐC

 

Dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) có 38 chương, 486 điều. So với Luật TTHS hiện hành, dự thảo luật tăng thêm 140 điều. Trên cơ sở báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành về dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi), đại biểu tập trung thảo luận các nội dung của luật. Đa số các đại biểu đồng tình và cho rằng, việc mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tác dụng bảo đảm kịp thời trong đấu tranh với tội phạm ở các lĩnh vực này, nhất là trong giai đoạn điều tra ban đầu; tuy nhiên, cũng cần có quy định bổ sung một số chức danh cho các cơ quan này. Đối với việc áp dụng án lệ trong xét xử, đại biểu cho rằng cần nên hết sức cân nhắc.

Tại chương VI, mục I của dự thảo luật quy định về những biện pháp cưỡng chế trong TTHS, Điều 84 quy định về “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp”, đại biểu cho rằng cần quy định cơ quan Viện Kiểm sát cũng có thẩm quyền bắt khẩn cấp (do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng ra lệnh bắt khẩn cấp), nhằm để đảm bảo yêu cầu khẩn trương của việc bắt khẩn cấp. Mặt khác, cũng để phù hợp với Điều 20 của Hiến pháp: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. 

Về vấn đề chỉ định luật sư bào chữa (theo Điều 108 của dự thảo luật), đại biểu cho rằng: Trong những trường hợp khi người bị buộc tội, người đại diện theo pháp luật hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa, thì việc chỉ định người bào chữa được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội có khung hình phạt là 15 năm tù được quy định tại Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, đại biểu còn thảo luận các nội dung liên quan đến các vấn đề: bị cáo; nội quy phiên tòa; người bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự; giới hạn của việc xét xử; trình tự xét hỏi; trình tự phát biểu khi tranh luận…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Trịnh Thị Thanh Bình ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu, sẽ tổng hợp báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

 

Đ.Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN