Dự thảo Luật Việc làm có nhiều điểm mới

05/08/2012 - 14:33

Tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức hội nghị khu vực phía Nam lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Việc làm. Dự thảo Luật Việc làm có 9 chương, 122 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Dự thảo Luật Việc làm kịp thời, có ý nghĩa với người lao động

Luật việc làm ra đời sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc hỗ trợ
đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động (Ảnh: K.V)

Theo tờ trình lên Chính phủ về Luật Việc làm có nêu về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đô thị hóa quá nhanh đang gây ra vấn đề thiếu việc làm trầm trọng ở nông thôn. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm chủ yếu điều chỉnh quan hệ xã hội về việc làm của nhóm đối tượng có quan hệ lao động thông qua hợp đồng lao động.

Trong khi đó, số lượng lao động không có quan hệ lao động ở nước ta lại rất lớn và theo thống kê vào năm 2010 là 32,7 triệu người, tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và quản lý kịp thời. Hiện nay, vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội. Đây là một trong nhiều lý do cần thiết để ban hành Luật Việc làm.

Dự thảo Luật Việc làm theo “tờ trình Chính phủ” của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có nhiều điểm mới hơn so với các quy định hiện hành. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề. Luật Việc làm được bổ sung thêm quy định phát triển kỹ năng nghề.

Ngoài ra, bảo hiểm Việc làm sẽ được tách ra từ Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) để đưa vào Luật Việc làm thành chương VIII. Vấn đề này nhằm khắc phục các hạn chế của hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm hiện nay. Luật Việc làm cũng sẽ bổ sung thêm một chương (Chương VI) về dịch vụ việc làm. Chương về thông tin thị trường lao động trong Luật Việc làm là chương có nội dung mới về tính pháp lý và được quy định lần đầu tiên trong văn bản pháp luật.

Bắt buộc phải siết lại cơ chế chi trả bảo hiểm thất nghiệp

Luật Việc làm quy định thêm điểm mới như đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng, tháo gỡ vướng mắc cho lao động nước ngoài làm thủ tục cấp giấy phép lao động. Tất cả được quy định khá chặt trong chương “tuyển, đăng ký sử dụng lao động”. Chương về bảo hiểm việc làm có bổ sung thêm chế độ hỗ trợ, duy trì việc làm bên cạnh chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Chính sách BHTN chỉ dừng lại ở chỗ hỗ trợ người lao động sau khi họ mất việc làm nhưng chưa có chính sách để ngăn ngừa, hạn chế và mở rộng cơ hội tham gia bảo hiểm việc làm. Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, chính sách BHTN xuất hiện nhiều kẽ hở, bị lợi dụng nên bắt buộc phải siết lại cơ chế chi trả.

Theo quy định trước đây, nếu người lao động mất việc và làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ. “Hiện nay, Luật Việc làm cần phải quy định, nếu người lao động thất nghiệp mà không phải lý do từ phía chủ sử dụng lao động thì sẽ không được hỗ trợ”, ông Nguyễn Đại Đồng cho biết thêm.

Việc quản lý lực lượng lao động vẫn còn chồng chéo. Một lao động có nhiều mã số. Do đó, Luật Việc làm sẽ phải giảm bớt, đồng thời xây dựng dữ liệu thông tin thị trường lao động một cách đầy đủ và cập nhật nhất.

Nguồn ĐCS

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN