Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo này tiếp tục khẳng định nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
|
Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân - Ảnh minh họa |
Dự thảo khẳng định, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.
Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đăng ký dự kiến hoạt động tín ngưỡng năm sau
Một trong những điểm mới của dự thảo so với Nghị định 22/2005/NĐ-CP là đã bổ sung thêm quy định về hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng.
Theo đó, trừ từ đường và nhà thờ họ, cộng đồng dân cư nơi có cơ sở tín ngưỡng cần bầu, cử người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng.
Trước ngày 15/10 hàng năm, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi đến UBND cấp xã bản đăng ký dự kiến hoạt động tín ngưỡng diễn ra vào năm sau tại cơ sở. Nội dung bản đăng ký nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, người tổ chức, chủ trì hoạt động; dự kiến số lượng người tham gia, nội dung, thời gian diễn ra hoạt động tín ngưỡng.
UBND cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
6 điều kiện để được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo
Dự thảo đã quy định cụ thể 6 điều kiện để tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, bao gồm: a) Là tổ chức của những người có cùng niềm tin; có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, không trái với thuần phong, mỹ tục và quy định của pháp luật; b) Không thuộc tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; c) Tên gọi của tổ chức không trùng với tên các tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc tên các danh nhân, anh hùng dân tộc; d) Hình thành hoặc du nhập vào Việt Nam từ 20 năm trở lên và được UBND cấp xã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo; e) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo; g) Có người đại diện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong tổ chức và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Sau thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức có hoạt động tôn giáo liên tục, không vi phạm các quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo.
Cũng giống như cơ sở tín ngưỡng, hàng năm trước ngày 15/10, người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ diễn ra vào năm sau tại cơ sở đó đến UBND cấp xã.
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục
Nhằm thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đa số các thời hạn giải quyết thủ tục trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đều được rút ngắn.
Chẳng hạn như thời hạn cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và trả lời tổ chức tôn giáo về việc thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo được rút ngắn từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Hay như thời hạn UBND cấp xã trả lời việc đăng ký chương trình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo cơ sở được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 15 ngày...
Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng theo tinh thần triển khai Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Nội vụ. Dự thảo này được xây dựng thay thế toàn bộ các nội dung quy định trong Nghị định 22/2005/NĐ-CP có liên quan đến thủ tục hành chính.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Nghị định và góp ý.