Giồng Trôm nhiều giải pháp cho công tác giảm nghèo

20/09/2023 - 05:07

BDK - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Giồng Trôm có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, xã hội hóa công tác giảm nghèo ngày càng được mở rộng. Với những giải pháp đồng bộ phù hợp với người nghèo và nhất là có sự tự phấn đấu vươn lên của hộ nghèo.

Cải tạo hội trường UBND xã Hưng Phong thành Hội trường văn hóa xã cho xã bãi ngang, ven biển thuộc chương trình giảm nghèo

Cải tạo hội trường UBND xã Hưng Phong thành Hội trường văn hóa xã cho xã bãi ngang, ven biển thuộc chương trình giảm nghèo

Xã có nhiều hộ nghèo

Xã Hưng Phong thuộc tiểu vùng IV của huyện Giồng Trôm, là một xã cù lao nằm dọc theo dòng sông Hàm Luông. Xã có diện tích tự nhiên là 1.277,78ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 618,39ha, diện tích còn lại là đất thổ cư và đất giao thông, sông, rạch.

Toàn xã có 4 ấp (Hưng Long, Hưng Phú, Hưng Quí, Hưng Điền ). Xã có 66 tổ NDTQ với 1.524 hộ và 4.632 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp chiếm hơn 80%, số hộ còn lại sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nhỏ lẻ.

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn mới giai đoạn 2021  - 2025, năm 2023 xã có 159 hộ nghèo với 480 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 10,43%, hộ cận nghèo 18 hộ với 50 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,18%. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu do thiếu đất sản xuất và già cả neo đơn, bệnh tật không có khả năng lao động.

Thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2023, Ban quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia xã Hưng Phong chỉ đạo các ấp họp, rà soát hộ có đủ điều kiện dự kiến thoát nghèo, thoát cận cuối năm 2023. Theo đó, hộ nghèo dự kiến thoát nghèo là 27 hộ với 99 nhân khẩu. Phân công các hội, đoàn thể hỗ trợ các hộ nghèo, cụ thể: Hội Nông dân xã 5 hộ; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã 7 hộ; Hội Cựu chiến binh xã 7 hộ; Đoàn Thanh niên xã 8 hộ.

Một trong những khó khăn hiện nay của Hưng Phong là các văn bản quy định về mức hỗ trợ kinh phí, quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều văn bản mới được ban hành, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nên xã còn lúng túng trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo.

Nhiều nguồn vốn hỗ trợ

Trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Giồng Trôm đã có nhiều nỗ lực, quan tâm hộ nghèo.

Trước nhất là tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho trên 601 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay số tiền 28 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ là 134 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư: chăn nuôi bò, dê sinh sản, chăn nuôi heo, nuôi gà, vịt, đầu tư chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi ngành nghề làm dịch vụ, buôn bán nhỏ. Cho vay giải quyết việc làm tại địa phương 264 lao động với số tiền 13 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 48 tỷ đồng. Cho vay lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 68 em với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ 7 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện các chính sách xã hội khác như: Hỗ trợ về y tế cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (hộ nghèo 4.937 thẻ, hộ cận nghèo 3.940 thẻ)...

Thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Tiểu dự án 1, Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (xã Hưng Phong). Dự án 2: Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trong đó, vốn năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 là 2,2 tỷ đồng. Huyện đã triển khai cho các xã, thị trấn thực hiện, với 14 mô hình, 167 hộ tham gia. Các xã, thị trấn đã giải ngân vốn cho hộ dân. Vốn phân bổ năm 2023 là 5,5 tỷ đồng, huyện đã phân bổ về cho các xã, thị trấn. Huyện đã triển khai kế hoạch thực hiện 18 mô hình, tại 14 xã với 253 hộ tham gia. Hiện nay các xã đã xây dựng mô hình và gửi về huyện chuẩn bị thẩm định.

Kế đến là Dự án 3 - Tiểu dự án 1 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 6 truyền thông và giảm nghèo; Dự án 7 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Khó khăn hiện nay của huyện Giồng Trôm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là thực hiện mô hình chăn nuôi để giảm nghèo còn mang tính nhỏ lẻ, chưa phát triển đàn gia súc, gia cầm thành đàn; đầu ra sản phẩm không ổn định; tình hình dịch bệnh đang xảy ra, giá cả không ổn định. Từ đó, tâm lý người dân lo ngại việc mở rộng quy mô sản xuất. Thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều văn bản hướng dẫn thay đổi, dẫn đến địa phương lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung cho rằng: “Xã Hưng Phong là một trong những xã khó khăn nhất trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Hưng Phong lưu ý cần họp đánh giá lại công tác điều hành những mặt làm được, chưa làm được; trong đánh giá, cốt lõi thực hiện giảm nghèo là thực hiện các chương trình, đề án, vậy thì chương trình, đề án nào hiệu quả nhất trong thời gian qua, để ghi nhận, phát huy và mạnh dạn loại bỏ đề án nào không phù hợp. Số hộ nghèo ở Hưng Phong nhiều năm chưa giảm lên cận nghèo, do đó, xã cần quan tâm thường xuyên đối với hộ nghèo để biết và phân công người, đoàn thể giúp đỡ từng nhu cầu, từng hoàn cảnh hộ nghèo. Hưng Phong cần tăng cường mối quan hệ với Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Giồng Trôm để hỗ trợ kịp thời khi cần”.

8 tháng đầu năm 2023, huyện bổ sung 39 hộ nghèo, 115 nhân khẩu. Nguyên nhân do bệnh nan y, gia đình không khả năng chi trả cho việc khám, chữa bệnh. Lũy kế hộ nghèo trên địa bàn huyện Giồng Trôm hiện này là 2.385 hộ, tỷ lệ 4,42%. Hộ cận nghèo 1.257 hộ, tỷ lệ 2,33%.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN