Trao thưởng cho các cá nhân đạt Giải thưởng “Phụ nữ Đồng khởi mới”.
Huỳnh Ngọc Diễm - Chi hội trưởng Chi hội ấp Bình Xuân, xã Châu Bình (Giồng Trôm)
Chị Diễm tham gia công tác hội năm 2006 với nhiệm vụ là chi hội phó, đến năm 2010 làm chi hội trưởng. Với vai trò là chi hội trưởng, chị luôn tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm 2006, chi hội có 6 tổ (4 tổ mạnh, 2 tổ khá). Năm 2010, chị nhập các tổ hội với nhau còn 3 tổ. Các tổ duy trì sinh hoạt hàng tháng, chị em nhiệt tình tham gia phong trào hội, chi hội đạt vững mạnh hàng năm; năm 2013 được hội cấp trên công nhận chi hội kiểu mẫu.
Hiện chi hội có 175 hội viên, đạt tỷ lệ 85,36%. Năm 2016, gia đình chị thuộc hộ nghèo, với quyết tâm thoát nghèo và giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương, chị mạnh dạn vay vốn thành lập tổ may gia công với 15 thành viên. Tổ may ngày càng phát triển, đến nay đã giải quyết việc làm cho 26 chị, thu nhập bình quân mỗi chị từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Gia đình chị đã thoát nghèo cuối năm 2016 và có vốn tích lũy mua 2.000m2 đất; trang bị thêm máy may, máy vắt sổ, máy kansai. Ngoài giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, chị còn tích cực vận động mạnh thường quân tặng quà, học bổng, học phẩm cho hội viên và học sinh nghèo.
Lê Thị Trúc Mai - hội viên Hội LHPN thị trấn Châu Thành, chủ cơ sở dừa nướng Ba Đốt
Năm 2017, gia đình chị mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng mua lại công nghệ chế biến dừa nướng từ một người bạn. Được tạo ra từ chính trái dừa tươi, không cần đẽo gọt, trái dừa nướng chỉ cần bật nắp là có thể uống, vị thơm, ngọt đậm, phầm cơm dừa tróc hoàn toàn khỏi gáo. Sản phẩm này đã có ở thị trường Thái Lan. Bến Tre là xứ Dừa nhưng chưa có cơ sở nào sản xuất nên chị quyết định đầu tư nâng giá trị của trái dừa bằng sản phẩm dừa nướng Ba đốt. Hiện nay, cơ sở sản xuất ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm/ngày. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chị đã hợp đồng với nông dân diện tích 50ha dừa bao tiêu với giá dao động từ 10 - 15 ngàn đồng/trái dừa nguyên liệu, cao hơn so với giá thị trường, ổn định thu nhập cho người trồng dừa. Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm cho hơn 22 lao động tại địa phương, trong đó có 7 chị em nữ làm những công đoạn nhẹ, thu nhập từ 5 - 9 triệu đồng/tháng.
Chị cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tích cực thực hiện Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Là hội viên phụ nữ, qua 3 năm, chị đã tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn, đóng góp hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ quỹ sinh kế giúp 14 chị em phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, với số tiền gần 100 triệu đồng.
Huỳnh Thị Tuyết Mộng - chủ cơ sở Khu du lịch “Về nhà Homestay”, xã Thành Triệu (Châu Thành)
Chị Tuyết Mộng là một người đam mê yêu thích du lịch qua những trải nghiệm bằng những chuyến đi tham quan, nghỉ dưỡng cùng gia đình. Chị đã mạnh dạn đem những đam mê của mình hình thành nên khu du lịch mang đậm chất miền Tây với những ý tưởng sáng tạo, mới lạ riêng của bản thân. Khu du lịch tọa lạc bên dòng sông thơ mộng tại ấp Phước Lễ, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, là một điểm dừng chân cho những tâm hồn mệt mỏi trong cuộc sống bộn bề, được thưởng thức cảnh sông nước yên bình, những món ăn dân dã tươi ngon, khung cảnh lãng mạn, những trò chơi dân gian đã bỏ quên đâu đó trong tuổi thơ, mang lại cho du khách những cảm giác thú vị, bởi chất lượng phục vụ và các tiện ích rất đảm bảo và chu đáo, tận tình. Với ý tưởng, mơ ước của bản thân, chị đã góp phần khởi nghiệp thành công bằng trí tuệ, sự sáng tạo của chính mình, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động nhàn rỗi nông thôn; đồng thời, góp phần phát triển du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa, tạo bộ mặt cho xã nông thôn mới và tham gia thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” của tỉnh.
Ngoài ra, từ khi thành lập khu du lịch, chị đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện đóng góp cho địa phương. Hàng năm, chị đóng góp Quỹ vì người nghèo địa phương từ 2 - 3 triệu đồng; đóng góp xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn từ 5 - 10 triệu đồng. Vào các dịp lễ, Tết, nhất là cho thiếu nhi, khu du lịch của chị mở cửa miễn phí cho các em thiếu nhi và phụ huynh, tổ chức các trò chơi dân gian, phát quà, bánh kẹo cho các em, kinh phí tổ chức từ 8 - 10 triệu đồng/dịp lễ.
Trần Thị Xuân Nhân - Chủ cơ sở sản xuất nước màu dừa Hồng Thủy
Chị Nhân có hoàn cảnh nghèo khó. Năm 1998, chị tham gia tổ chức hội, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn mua 1 chiếc ghe máy và làm vốn mua dừa, tích góp chăn nuôi heo, thành lập cơ sở làm dừa sấy. Ban đầu chỉ có 5 lao động, mỗi ngày sấy được 200 - 250kg cơm dừa. Năm 2010, chị chuyển sang chế biến cơm dừa nạo sấy. Hiện cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 18 lao động, trong đó có 3 lao động là hộ nghèo, còn lại những hộ khó khăn, có 12 lao động là nữ, thu nhập bình quân từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. Mỗi ngày, cơ sở chế biến khoảng 1,5 - 2 tấn cơm dừa nạo sấy. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi heo, năm 2011 đã xuất chuồng được 4,2 tấn, trị giá 250 triệu đồng. Năm 2012, gia đình chị trả hết nợ ngân hàng, tích lũy tiền mua đất, cất nhà khá khang trang ở Khu phố 4, thị trấn Mỏ Cày.
Chị Nhân còn mạnh dạn đầu tư nuôi 5 con bò cái, trong đó có 4 con bò đã đẻ 4 con ghé, tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Năm 2018, hưởng ứng phong trào “Đồng khởi mới”, chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, chị Nhân mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất nấu nước màu dừa để góp phần nâng cao giá trị cây dừa. Sản phẩm nước màu dừa của cơ sở chị được công nhận là Sản phẩm Ocop. Hiện đang làm hồ sơ để đưa vào tiêu thụ tại Siêu thị BigC. Cơ sở nước màu dừa hiện nay với công suất 150 lít/tháng, giải quyết việc làm cho 2 lao động là hộ khó khăn. Ngoài ra, chị đang thử nghiệm mô hình trồng nấm bào ngư có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua 4 kỳ thu hoạch đã thu hồi phần vốn. Hiện chị đang tiếp tục thu hoạch 6 kỳ nữa, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình để giúp cho hội viên, phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Cùng với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; gắn với phong trào thi đua “Đồng khởi mới”; “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, các cấp hội trong tỉnh đã có nhiều chương trình hoạt động đa dạng, hiệu quả, thu hút hội viên tham gia. Mỗi cá nhân dù ở vị trí nào cũng hưởng ứng tích cực phong trào, đã có rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, đang được tổ chức nhân rộng.
Hiện Hội LHPN tỉnh đang tiếp tục phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Đồng khởi mới” lần thứ II trong các cấp, ngành, địa phương để tạo khí thế thi đua chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2020, do tỉnh phát động.
(Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thanh Thảo)
|
Bài, ảnh: Hữu Hiệp