Xây dựng chuỗi giá trị dừa bền vững, bài 4

Hài hòa lợi ích trong chuỗi liên kết dừa

24/02/2025 - 05:31

BDK - Thời gian qua, mặc dù ngành dừa đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn cần một chiến lược tổng thể được hoạch định ở tầm quốc gia. Hài hòa lợi ích của tất cả các thành phần trong chuỗi liên kết sẽ là nền tảng cho ngành dừa phát triển bền vững.

Đóng gói dừa xuất khẩu tại tỉnh.  Ảnh: Hoàng Trung

Cân đối cung - cầu, phát triển chiều sâu

Thời gian gần đây, tỉnh đã có những chính sách, chủ trương và định hướng để khai thác tối đa giá trị cây dừa. Từ nền tảng liên kết theo chuỗi và vùng nguyên liệu dừa đạt chứng nhận hữu cơ, các doanh nghiệp (DN) đã đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế để lưu thông trên thị trường thế giới như: ISO 22000: 2005, HACCP, HALAL, KOSSHER, BRC, GMP, hữu cơ được cơ quan FDA của Hoa Kỳ cấp mã số FDA và SID, công nghệ chế biến UHT... Các sản phẩm dừa của tỉnh hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Trung Đông... với hơn 90 DN tham gia xuất khẩu.

Đối với dừa uống nước, toàn tỉnh hiện có gần 20.000ha và diện tích dừa uống nước ngày càng tăng lên, bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện tại, tỉnh đã có hơn 5 DN xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Nhật, Singapore, Đài Loan, Úc, Canada… Hiện nay, có 20 DN tham gia xây dựng cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Trong đó, có 13 cơ sở đóng gói, 35 vùng trồng với 2.343ha đã nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức cho biết: Những mô hình liên kết gắn với DN đã hình thành hàng trăm cơ sở sơ chế dừa tại địa phương, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, giảm áp lực về lao động và kho bãi cho các DN chế biến dừa tại các khu công nghiệp. Tỉnh luôn xác định việc xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng liên kết vùng với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long nhằm phát triển cây dừa phát triển một cách bền vững và hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Phát triển ngành dừa cần đi sâu vào chất lượng, chế biến thành nhiều mặt hàng khác nhau. Cây dừa gần như không bỏ đi thứ gì, đây là tiền đề quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Để cây dừa tránh được những rủi ro về thị trường, cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa. Từ đó, mới tránh được tình trạng giá dừa xuống thấp như thời gian qua.

Đồng bộ chính sách, liên kết chặt chẽ

Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị. Trong đó, có kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030 để cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT… Theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa. Trong đó, dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000ha; cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh duy trì và phát triển ổn định 80.000ha dừa. Trong đó, phát triển 5.000ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha; cải tạo 5% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Tỉnh luôn xác định xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng loạt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến dừa đã được ban hành. Nhờ tích cực đổi mới nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa không ngừng được nâng lên, giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD trong năm qua. Từ đó, các DN cũng mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các dòng sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ phân khúc thị trường cao cấp. Các sản phẩm kẹo dừa và sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất tự động khép kín thay cho cách làm thủ công truyền thống. Gỗ dừa cũng được khai thác, xuất khẩu và trở thành nhóm sản phẩm có giá trị kinh tế cao…

Ngành dừa đang dần có vai trò rất quan trọng và cần được coi như một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đây là chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm được chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Dự báo trong tương lai, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm dừa ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông. TS Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT nhận định: Việt Nam có lợi thế so sánh rất tốt để phát triển ngành dừa. Ở tầm quốc gia, dừa đã được phê duyệt là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng với các DN, giữa các DN với hiệp hội ngành hàng, trong đó nòng cốt là Hiệp hội Dừa, các chi hội và DN chế biến. Đặc biệt, chúng ta cần lựa chọn ra các tập đoàn, DN lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị. Liên kết không chỉ là câu chuyện giữa các thành phần trong chuỗi mà cần tính đến giữa các địa phương, đặt trong quan hệ lợi ích của cả vùng trồng và quốc gia.

Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Từ con số 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

Thành Châu - Thái Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN