Hiệu lực pháp luật của biên bản hòa giải thành tại tòa án

17/03/2019 - 19:28

 

Bà Nguyễn Thụy Nhàn (Bình Đại) có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp tài sản. Nửa tháng trước đây, tòa án đã tiến hành hòa giải tranh chấp này và công nhận sự thỏa thuận của 2 bên. Xin hỏi, biên bản hòa giải thành của tòa án có hiệu lực pháp luật như bản án của tòa đã tuyên hay không; khi nào tôi mới được tòa án giao quyết định công nhận thỏa thuận?

Thắc mắc của bà được Luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Biên bản hòa giải thành của tòa án chưa phát sinh hiệu lực pháp luật. Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 quy định: “Hết hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán được chánh án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và viện kiểm sát cùng cấp”.

Mặt khác, theo quy định của Điều 213 Bộ luật TTDS: “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội”.

Như vậy, theo các quy định trên của pháp luật thì biên bản hòa giải thành của tòa án chưa phát sinh hiệu lực pháp luật, chỉ có hiệu lực pháp luật khi nào được tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có giá trị pháp lý như bản án đã có hiệu lực pháp luật và có giá trị thi hành ngay. Tòa án phải gửi quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày ra quyết định) cho các đương sự và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Bà có thể liên hệ với cơ quan tòa án để biết kết quả.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN