Hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

24/06/2023 - 05:17

BDK.VN - Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh cùng các đơn vị có liên quan thực hiện 7 nhiệm vụ KH&CN về ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất chất lượng và số hóa sản phẩm OCOP, phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Kho hàng của Hợp tác xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam.

Kho hàng của Hợp tác xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam.

Số hóa sản phẩm OCOP

Xây dựng hoàn chỉnh bản đồ chuyên đề nông nghiệp trồng trọt tỉnh cho phép cập nhật thông tin lên bản đồ các dữ liệu đã chuẩn hóa GIS và phần mềm quản lý cây trồng nông nghiệp tích hợp trên bản đồ số. Phần mềm đã được cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho các hợp tác xã ứng dụng và vận hành thử nghiệm trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng trên địa bàn tỉnh tại trang web: caytrongbentre.vimap.vn.

Tỉnh triển khai ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4.000ha), hiện đang xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900ha vùng nuôi tôm công nghệ cao nhằm hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4.000ha nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động và phát triển sản phẩm OCOP của 148 HTX và xác định được 20 HTX có sản phẩm tiềm năng để hỗ trợ xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có: HTX Nông nghiệp Tân Phú, HTX Cây giống và hoa kiểng Phú Sơn, HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm, HTX Nông nghiệp Vĩnh An, HTX Nông nghiệp Định Thủy, HTX Lúa - Tôm Thạnh Phú, HTX Tam Hiệp, HTX Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An.

Ngoài ra, thực hiện đề tài xây dựng sổ tay hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX; tổ chức 9 lớp tập huấn về phát triển sản phẩm OCOP, hoàn chỉnh 6 bộ hồ sơ sản phẩm đăng ký đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, 20 bộ hệ thống nhận diện của sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng OCOP và đang xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 24 HTX điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Giao Long, HTX Thủy sản Thạnh Lợi, HTX Nông nghiệp Long Định, HTX Nông nghiệp Phú Phụng...

Triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển sản phẩm tiềm năng để được công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, đến nay, đã khảo sát trên 100 sản phẩm tiềm năng 3 sao của các chủ thể, từ đó nâng cấp sản phẩm xây dựng bộ nhận diện OCOP, hoàn thiện bao bì, nhãn hiệu, logo đăng ký nhãn hiệu độc quyền, truy xuất nguồn gốc, in ấn tem nhãn, mã số mã vạch, QR Code. Tổ chức kết nối cho doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất OCOP tiếp cận các nhà khoa học ứng dụng công nghệ, giải pháp vào sản xuất, kinh doanh, nâng giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh, nhất là nhóm sản phẩm chế biến OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Hỗ trợ các HTX ứng dụng KH&CN vào chuỗi liên kết sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản và hiệu quả hoạt động của HTX; định hướng cho các thành viên HTX và các hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Khánh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo tập huấn các mô hình nuôi trùn quế với quy mô 250m2 (8 tấn trùn giống, trùn thịt 0,5 tấn, 80 tấn phân trùn); mô hình sản xuất dịch trùn quế (sản lượng 2.000 lít); mô hình sản xuất ủ phân vi sinh (60 tấn phân hữu cơ vi sinh); mô hình sản xuất cơ chất hữu cơ (20 tấn phân hữu cơ vi sinh); mô hình cải tạo vườn dừa theo hướng hữu cơ với quy mô 10ha, năng suất dự kiến đạt được 100 trái/cây/năm, giá sản phẩm bán ra cao hơn thị trường từ 10 - 15%; mô hình cải tạo vườn dừa, trồng xen dừa với cây thảo dược (cây nghệ, cây đinh lăng, cây chuối với quy mô 1ha, sản phẩm 1.200kg các loại); nuôi dê vỗ béo (140 con, tăng khối lượng từ 20 - 30kg/con sau 3 tháng nuôi); nuôi bò vỗ béo (30 con, tăng khối lượng từ 80 - 100kg/con sau 3 tháng nuôi); nuôi gà thảo dược số lượng 6.000 con, thời gian nuôi 4,5 tháng, trọng lượng mỗi con khoảng 1,7kg, sản lượng khoảng 9 tấn; nuôi 15 ngàn con tôm càng xanh toàn đực trong mươn vườn dừa, thời gian nuôi 8 tháng, trọng lượng từ 60 - 70g/con, sản lượng từ 1.200 - 1.400kg; nuôi cá tai tượng trong mươn vườn dừa, thời gian nuôi 12 tháng, sản lượng 1800 - 2400kg; nuôi lươn không bùn, thời gian nuôi 12 tháng, trọng lượng 200 - 250g/con, sản lượng 1.500 - 1.800kg. Đào tạo, tập huấn cho 420 cán bộ kỹ thuật, người dân.

Chủ động nâng tầm sản phẩm OCOP

Hoạt động KH&CN tiếp tục phát triển hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó chú trọng việc hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP.

Tiếp tục tạo lập triển các chỉ dẫn địa lý Bến Tre dùng cho sản phẩm bò, gà, nghêu, dừa, chôm chôm và gạo Thạnh Phú.

Tiếp tục triển khai nghiên cứu ứng dụng KH&CN hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre. Xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh vào chuỗi liên kết sản xuất nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững.

Xây dựng Không gian thương hiệu Bến Tre để hỗ trợ quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa và sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tổ chức các hoạt động kết nối, đào tạo, tư vấn, mua bán, đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp có thương hiệu; đầu mối đại diện cho các doanh nghiệp có thương hiệu tham gia các hoạt động từ các chương trình của Nhà nước.

Bài, ảnh: Sông Ngang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN