Phụ nữ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách góp tiết kiệm hỗ trợ mua điện thoại thông minh. Ảnh: CTV
Tiếp cận công nghệ
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân là tiểu thương tại chợ xã Tân Hưng (Ba Tri), ngoài thu nhập từ quầy bán thịt heo, mỗi tháng chị kiếm nguồn thu nhập đáng kể từ việc bán mặt hàng thực phẩm nhà làm.
Theo lời kể của chị Kim Ngân, ban đầu chỉ sử dụng Internet để chat, nhắn tin, liên hệ bạn bè, người thân. Sau đó, chị thấy nhiều người bán hàng online, livestream trên mạng xã hội vô xem thử thấy thú vị. Chị bắt đầu nghiên cứu, thử quay các sản phẩm nhà làm như: mứt dừa, nước màu, các loại cá khô... để đưa lên giới thiệu. Ban đầu chỉ có người quen vào xem và đặt hàng, dần dần chị phát triển kênh livestream, nhiều người vào xem trực tiếp và ủng hộ.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dịch Covid-19 khiến việc mua bán trực tiếp nhu yếu phẩm bị hạn chế. Vì vậy, chị đã lựa chọn bán hàng online. Sau khi tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, chị cũng vẫn lựa chọn phương thức bán hàng này và đến nay trở thành thói quen.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho PN ở khu vực nông thôn nói chung đối với việc tiếp cận công nghệ số (CNS) chính là thiếu điều kiện trang bị các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Dù nhiều PN nông thôn đã có điện thoại thông minh nhưng phần lớn là các điện thoại đời cũ (do con cháu không sử dụng cho lại hoặc do kinh tế khó khăn nên mua lại các sản phẩm cũ chỉ đủ nghe, nhìn) với thiết bị cũ, tốc độ xử lý chậm nên việc tiếp cận các công nghệ, sản phẩm chuyển đổi số (CĐS) chậm hoặc không thực hiện được.
Bên cạnh đó, ở nông thôn hạ tầng Internet cũng chưa toàn diện. Nhiều gia đình chưa được phủ sóng Internet, sử dụng phí 3G, 4G khá đắt đỏ nên hạn chế tham gia các hoạt động CĐS, nhất là việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến của chính quyền. Tâm lý của PN khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử còn e dè trong thao tác do kỹ năng, thông tin hạn chế; chỉ tham gia tích cực trong khai thác thông tin từ các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube.
Các giải pháp hỗ trợ
Thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân tiếp cận với CNS, tham gia tích cực vào CĐS. Trong đó, tổ chức hội PN các cấp đã có nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy CĐS, nhất là hỗ trợ PN nông thôn có điều kiện để tiếp cận CNS. Điển hình như Hội Liên hiệp PN (LHPN) xã Sơn Định, huyện Chợ Lách thời gian qua triển khai mô hình góp vốn hỗ trợ PN mua điện thoại thông minh.
Chị Dương Thị Mỹ So - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Định cho biết: Mô hình góp vốn xoay vòng mua điện thoại thông minh xã Sơn Định được thành lập từ tháng 9-2022, với 2 tổ. Trong đó, có Tổ ấp Thới Lộc, với 12 thành viên. Hàng tháng, các chị sinh hoạt và góp 500 ngàn đồng/tháng. Đến nay, các chị đã giúp cho 7 chị mua điện thoại thông minh với tổng số tiền 52,5 triệu đồng.
Tổ ấp Sơn Long, với 15 thành viên cũng góp với số tiền 300 ngàn đồng/tháng, giúp 7 chị mua điện thoại, với tổng số tiền 31,5 triệu đồng. Sự thành công của mô hình này còn ở việc cả 2 tổ đều chọn tổ trưởng tổ góp vốn là chị PN nhiệt tình, tâm quyết, biết sử dụng điện thoại thông minh. Khi thành viên mua được điện thoại thì được tổ trưởng hướng dẫn cài đặt và chỉ cách sử dụng. Hiệu quả từ mô hình đã được các chị em PN trên địa bàn xã Sơn Định đồng thuận, ủng hộ. Qua đó, cùng với việc tăng cường sử dụng các nền tảng CNS trong thực hiện công tác hội và các hoạt động trong đời sống của chị em PN đã góp phần thúc đẩy xã hội số, thực hiện chủ trương CĐS nói chung.
Hội LHPN TP. Bến Tre đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ chị em PN trong việc tiếp cận công nghệ thông tin để vươn lên làm chủ cuộc sống. Điển hình Hội LHPN Phường 6 ra mắt tổ tư vấn pháp luật về CĐS. Tổ có trách nhiệm hướng dẫn chị em PN những kiến thức cũng như thông tin pháp luật khi sử dụng các trang mạng xã hội, Internet và những quy định, chủ trương trong công tác CĐS. Qua đó, giúp chị em PN có những kiến thức cơ bản nhất khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm liên quan CĐS.
“Hầu hết các hội LHPN xã, phường trên địa bàn TP. Bến Tre đều có mô hình giúp chị em PN trên địa bàn phát triển kinh tế, tiếp cận tiến bộ của xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, các hội chủ động thích ứng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chị em PN thích nghi xã hội số đang dần hiện hữu. Trong số đó, có thể kể đến Hội LHPN Phường 4 tích cực tuyên truyền, vận động PN sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Hội còn tạo mã QR cho các hộ kinh doanh trên địa bàn và hướng dẫn tạo mã QR giới thiệu sản phẩm. Dù chỉ mới bước đầu triển khai thực hiện nhưng các mô hình được sự hưởng ứng tích cực của chị em. Đây là tín hiệu vui để các hội tiếp tục nhân rộng cách làm, phương pháp hỗ trợ PN địa bàn trong quá trình thích ứng với làn sóng số hóa hiện nay”.
(Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Bến Tre Nguyễn Thị Thùy Dương)
|
Th. Đồng - Ph. Hân - A. Nguyệt