Hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng

17/07/2023 - 05:24

BDK - Trong tháng 6-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Công văn số 2251/BTTTT-CĐSQG về tổng kết thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) và định hướng triển khai năm 2023.

Đoàn viên xã Phú Hưng (TP. Bến Tre) hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2 của ứng dụng VNeID. Ảnh: CTV

Đoàn viên xã Phú Hưng (TP. Bến Tre) hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2 của ứng dụng VNeID. Ảnh: CTV

Thống kê toàn quốc, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 tổ và 348.362 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Các thành viên của tổ CNSCĐ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản. Với sự hỗ trợ của mạng lưới tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã được cải thiện, góp phần đạt những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Đặc biệt, trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, trong tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trước đây và CĐS hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Thông qua tổ CNSCĐ, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác CĐS quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, được xem là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về CĐS trong tương lai.

Thông qua đúc kết từ thực tiễn hoạt động của tổ CNSCĐ cơ sở, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra các bài học kinh nghiệm. Đầu tiên là chiến lược “mưa dầm thấm lâu” trong tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Do CĐS cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, thói quen của người dân nên hoạt động của tổ CNSCĐ là chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết của chính các thành viên. Việc bồi dưỡng, tập huấn cần thiết tổ chức thường xuyên, nhưng phải trọng tâm theo chuyên đề. Có thể lồng ghép vào hoạt động của các cơ sở như trường học, thanh niên, các chương trình nông thôn mới của địa phương để tận dụng được nguồn lực.

Thứ hai, việc triển khai các nội dung cần “đơn giản - tự nhiên - thiết thực”, theo hướng xã hội hóa là chính, tùy từng đối tượng mà hướng dẫn ứng dụng công nghệ phù hợp, xuất phát từ nhu cầu, tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân. Ví dụ với tiểu thương, hộ kinh doanh thì hướng dẫn thanh toán trực tuyến, kinh doanh điện tử, gia đình có con đi học thì hướng dẫn thanh toán học phí trực tuyến, các ứng dụng học trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến liên quan đến con em…

Thứ ba, thiết lập đầu mối hỗ trợ tổ CNSCĐ và các kênh truyền thông về CĐS. Sở TT&TT các địa phương phải đóng vai trò hạt nhân nòng cốt trong hoạt động CĐS. Từ đầu mối này lan tỏa và chia sẻ thông tin đến các thành viên của tổ CNSCĐ tại địa phương mình bằng cách thiết lập các nhóm Zalo, giúp cho mạng lưới thành viên tổ CNSCĐ kịp thời tiếp nhận được các thông tin về chủ trương, chính sách, tài liệu về CĐS; chia sẻ các hoạt động triển khai thực tế của các tổ CNSCĐ trên địa bàn; theo dõi, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các thành viên tổ CNSCĐ trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Từ những kết quả trên, Bộ TT&TT có các giải pháp thúc đẩy hoạt động của mạng lưới tổ CNSCĐ trong thời gian tới để hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quy mô quốc gia về CĐS tại địa phương. Bộ TT&TT đang triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, thiết lập công cụ số, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tổ CNSCĐ hoạt động. Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động quyết định việc tổ chức triển khai hoạt động của tổ CNSCĐ tại địa phương, vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế CĐS và các điều kiện đặc thù của địa phương.

Tổ CNSCĐ tại địa phương với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” 5 nhiệm vụ cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thiết lập mỗi người dân một tài khoản dịch vụ công trực tuyến và một kho dữ liệu cá nhân trực tuyến để sử dụng dịch vụ công, chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Mua sắm trực tuyến gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện các trang mua sắm trực tuyến tin cậy. Thanh toán trực tuyến an toàn, tiện lợi, tránh bị lừa đảo mất tiền, gắn với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tự bảo vệ mình trên không gian mạng, tránh trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, bị đánh cắp dữ liệu cá nhân. Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích