Hỏi: Việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân năm 2010 thì:
- Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử, công dân có quyền khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với ban bầu cử, ủy ban bầu cử, hội đồng bầu cử. Ban bầu cử, ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền.
Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của ban bầu cử, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại với hội đồng bầu cử. Quyết định của hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng.
- Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ban bầu cử ngưng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những ngưòi ứng cử.
- Hội đồng bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa mới để giải quyết theo thẩm quyền.
Điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 1020/2011/UBTVQHK12 hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016:
- Không xem xét, giải quyết đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.