Trả lời: Vi phạm pháp luật về bầu cử là những hành vi làm trái các quy định của pháp luật về bầu cử. Bao gồm những hành vi sau đây:
- Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội của công dân;
- Người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử;
- Cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về bầu cử.
Theo quy định tại điều 87 và 88 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 thì: Các hành vi vi phạm được liệt kê trên đây, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể về tội phạm và hình phạt đối với các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân.
Hỏi: Theo quy định của pháp luật thì mỗi cử tri phải tự mình đi bỏ phiếu bầu cử. Vậy pháp luật có quy định trường hợp ngoại lệ nào không?
Trả lời: Theo Điều 49 Luật Bầu cử hội đồng nhân dân năm 2003 quy định:
Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu cho mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
Cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay, trừ trường hợp quy định tại Điều 50 của Luật này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
Điều 50 của Luật Bầu cử hội đồng nhân dân năm 2003 quy định những trường hợp ngoại lệ như ốm đau, tàn tật, già yếu như sau:
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người viết hộ phải đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri. Nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì cử tri có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu.