Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND

12/04/2011 - 16:29

Hỏi: Sau khi đã hết thời hạn hiệp thương lần thứ hai thì có thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào hiệp thương lần thứ ba được không?

Trả lời: Chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử thì công dân ứng cử đại biểu Quốc hội (người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử.

Tuy nhiên, chậm nhất là 60 ngày trước ngày bầu cử phải tổ chức hiệp thương lần thứ hai. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, HĐND cơ cấu thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương đã được chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người đó làm việc (nếu có). Do đó, khi thời hạn hiệp thương lần thứ hai đã hết thì không thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba.

Hỏi: Người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã qua hiệp thương và được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử thì có được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử không?

Trả lời: Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND là những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Vì vậy, công dân xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật, có thể tự mình làm đơn, nộp hồ sơ ứng cử. Qua hiệp thương lần thứ hai nếu được vào danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc (nếu có) thì sau đó đưa vào danh sách để hiệp thương lần thứ ba. Trường hợp người tự ứng cử có đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND.

Hỏi: Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu HĐND và ứng cử đại biểu Quốc hội không?

Trả lời: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, công dân chỉ được ứng cử đại biểu HĐND không quá hai cấp; nếu đã ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được ứng cử đại biểu HĐND ở một cấp.

Hỏi: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, vì lý do bất khả kháng, số người ứng cử ở đơn vị bầu cử ít hơn so với quy định của pháp luật thì giải quyết như thế nào?

Trả lời: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND thì số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 2 người.

Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, số người ứng cử ở đơn vị bầu cử ít hơn so với quy định của pháp luật thì ban bầu cử báo cáo ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh để báo cáo hội đồng bầu cử xem xét, quyết định.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN