Vận hành thử nghiệm hệ thống khai báo y tế và đo thân nhiệt tự động tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: PV
Phòng chống dịch Covid-19 và hạn mặn
Các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm nay được ngành KH&CN tỉnh lựa chọn phương thức tuyên truyền là chủ yếu. KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, Sở KH&CN đã xây dựng Kế hoạch số 172/KH-SKHCN ngày 24-2-2020 về khảo sát, kiểm tra nhãn và chất lượng khẩu trang vải kháng khuẩn trong sản xuất và lưu thông trên thị trường Bến Tre thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành KH&CN. Có thể nói, Sở KH&CN Bến Tre nằm trong tốp các tỉnh đi đầu trong việc kiểm soát tốt chất lượng khẩu trang vải kháng khuẩn lưu thông trên thị trường. Đồng thời, để giảm áp lực và nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ, sở đã trình cho cấp có thẩm quyền theo quy trình xác định nhiệm vụ đặc biệt và rút gọn cho phép thực hiện đề tài “Nghiên cứu và sản xuất hệ thống khai báo y tế và đo thân nhiệt tự động”, hiện đang vận hành thử nghiệm tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
Sở KH&CN cũng là cơ quan ban hành sớm nhất Kế hoạch số 339/KH-SKHCN ngày 30-3-2020 giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 gây ra nhằm khôi phục sản xuất.
Song song với khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội do dịch Covid-19, Sở KH&CN tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về kỹ năng phòng chống hạn, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra. Phổ biến thông tin về ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng; giới thiệu các mô hình tưới nước tiết kiệm; công nghệ, thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt. Sở đã đề xuất Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động ứng dụng tại tỉnh.
Ngoài ra, sở cũng kịp thời phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của địa phương trên lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Những phần việc thiết thực
Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành KH&CN tỉnh bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động phòng chống và hạn chế các tác động do xâm nhập mặn, nắng nóng, diễn biến dịch Covid-19 và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển như: Xây dựng mô hình chăm sóc và hạn chế rụng lá cây hoa giấy; quy trình sản xuất giống nhân tạo sò huyết với tỷ lệ từ ấu trùng chữ D đến điểm mắt và từ khi hạ đáy đến giống cấp 1 (1 - 3mm) lần lượt là 30% và 20%; xây dựng 2 phác đồ điều trị bệnh viêm tử cung trên đàn bò cái sinh sản; mô hình quản lý và sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QR code cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh: bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển cho 16 doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng. Chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất bánh phồng, góp phần cơ giới hóa cho làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, huyện Giồng Trôm.
Đã đánh giá hiện trạng, dự báo diễn biến và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng; đánh giá thực trạng, xây dựng bản đồ số (tỷ lệ 1/25.000) phân bố và đề xuất giải pháp sử dụng tài nguyên đất nước, cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Thạnh Phú; sử dụng ảnh viễn thám kiểm kê, giải đoán và xác định 332,6ha đất rừng nằm ngoài ranh giới, mốc giới phòng hộ và đặc dụng, nâng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 5.843ha. Cho ý kiến về cơ sở KH&CN 1 dự án đầu tư; cấp 1 giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; 1 giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; 1 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu của tổ chức KH&CN; 1 giấy chứng nhận đánh giá nhiệm vụ KH&CN ngoài ngân sách.
Những thành tích trên đánh dấu cho một ngày KH&CN Việt Nam thật đáng để nhớ, đầy ý nghĩa và động lực lớn để đội ngũ cán bộ KH&CN không ngừng dấn thân, sẵn sàng cống hiến.
Đặng Văn Cử