Bà N.T.H có nhu cầu tư vấn: Tháng 2-2022, tôi có cho ông D. mượn 250 triệu đồng để làm ăn và ông có hứa trả dần cho tôi mỗi tháng 10 triệu đồng, có biên nhận viết tay. Việc trả nợ được bắt đầu từ tháng 5-2022. Ông D. trả cho tôi được 50 triệu đồng rồi không thực hiện lời hứa. Tôi đã nhiều lần đòi nhưng ông D. lẩn tránh, cố tình không gặp mặt tôi. Xin hỏi: Tôi có thể khởi kiện ông D. để đòi tiền được không? Tôi phải làm sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Hiện nay, việc vay mượn tiền bằng hình thức viết tay là khá phổ biến. Đa số các thỏa thuận vay nợ viết tay này thường dẫn đến tranh chấp và phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Điều 116 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: Giao dịch dân sự (GDDS) là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo Điều 119 BLDS quy định thì GDDS được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp luật quy định GDDS phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Theo đó, pháp luật dân sự hiện hành không quy định về hình thức của một giao dịch vay tiền thì phải có công chứng, chứng thực hoặc là hợp đồng hay giấy vay tiền.
Tuy nhiên, vì là một GDDS nên giấy vay tiền viết tay cũng phải đảm bảo các quy định về GDDS có hiệu lực theo khoản 1 Điều 117 BLDS như sau: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với GDDS được xác lập; chủ thể tham gia GDDS hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Mặt khác, tại Điều 463 BLDS quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên thì giấy vay tiền viết tay (biên nhận viết tay) cũng là một hợp đồng vay tài sản. Khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một GDDS thì giấy viết tay có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên như một hợp đồng vay tài sản và các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản được quy định cụ thể trong mỗi hợp đồng và phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin bà cung cấp, thì vụ việc của bà thuộc trường hợp cho vay mượn tiền bằng biên nhận viết tay (không có công chứng, chứng thực). Nếu biên nhận viết tay của bà thỏa đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một GDDS thì hoàn toàn có hiệu lực.
Do vậy, nếu đến hạn trả nợ mà ông D. cố tình không thanh toán nợ gốc và lãi thì bà có quyền khởi kiện ông D. ra Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi ông D. cư trú hoặc tạm trú) để đòi số tiền gốc còn lại và tiền lãi phát sinh theo quy định.
- Về thủ tục hồ sơ, bà cần chuẩn bị: Đơn khởi kiện đòi nợ, ghi đầy đủ theo mẫu hướng dẫn của tòa án; bản photo biên nhận vay tiền viết tay; bản sao các giấy tờ tùy thân như Căn cước công dân của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; các tài liệu, chứng cứ liên quan khác.
H. Trâm (thực hiện)