Ông T.V.H có nhu cầu tư vấn: Năm 2015, tôi có mua thửa đất vườn phía sau đất của ông A. Lúc mua ông A có chừa lối đi (ngang 1,5m, dài 20m) cho gia đình tôi cùng 2 hộ dân có đất bên trong. Cuối năm 2022, ông A bán đất cho ông N. Tháng 4-2023, ông N không cho 3 hộ dân có đất bên trong đi trên lối đi cũ và buộc chúng tôi mở lối đi khác.
Xin hỏi: Chúng tôi có thể khởi kiện ông N yêu cầu mở lối đi hay không? Thủ tục ra sao?
Thắc mắc của ông được Luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) tư vấn như sau:
- Như thông tin ông cung cấp, ông A có chừa lối đi (ngang 1,5m, dài 20m) cho gia đình ông và 2 hộ dân có đất bên trong đi lại từ năm 2015 (lúc ông mua đất). Đây là lối đi qua bất động sản (BĐS) liền kề được quy định tại khoản 1, Điều 254 - Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: Chủ sở hữu có BĐS bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Theo đó, lối đi qua là lối đi trên BĐS của người khác, cần thiết phải có các điều kiện, cụ thể là: Thứ nhất, có BĐS bị vây bọc bởi các BĐS của người khác; có thể bị vây bọc bởi một hoặc nhiều BĐS khác. Thứ hai, BĐS vì bị vây bọc mà không có hoặc không có đủ lối đi ra đường công cộng (không có đủ lối đi, nghĩa là thực tế vẫn có lối đi, nhưng do lối đi quá hẹp hoặc quá ngắn, không thuận tiện để ra đường công cộng).
Ngoài ra, Điều 247 BLDS còn quy định hiệu lực của quyền đối với BĐS liền kề: Quyền đối với BĐS liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi BĐS được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Căn cứ các quy định của điều luật nêu trên và do từ khi mua đất, ông A đã chừa lối đi cho gia đình ông và 2 hộ dân bên trong, nên khi ông A bán đất cho ông N, thì ông A đồng thời phải chuyển giao luôn quyền về lối đi qua này, đồng nghĩa là ông N có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền về lối đi này, nên gia đình ông và các hộ dân bên trong vẫn được quyền tiếp tục đi trên lối đi cũ do ông A đã chừa ra trước đây.
Trường hợp ông N không cho gia đình ông và 2 hộ dân bên trong tiếp tục đi trên lối đi cũ, giữa hai bên không thể thương lượng, thỏa thuận được và hòa giải tại UBND xã không được thì ông và 2 hộ dân này có quyền nộp đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có đất là lối đi), theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, để được xem xét giải quyết.
Nếu khởi kiện, ông cần chuẩn bị các tài liệu, hồ sơ cần thiết, bao gồm: Đơn khởi kiện theo mẫu và phải thể hiện đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn viết đơn khởi kiện. Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, hồ sơ như: Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện; chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của ông và 2 hộ dân có đất bên trong bị xâm phạm (có thể là hình ảnh rào chắn, ngăn cản không cho sử dụng lối đi, hậu quả và thiệt hại xảy ra của việc không cho sử dụng lối đi…); các giấy tờ về quyền sử dụng đất (hợp đồng mua bán, chuyển nhượng phần đất mà ông đã mua, bản đồ địa chính về ranh giới, mốc giới thửa đất); giấy cam kết chừa lối đi của ông A (nếu có); biên bản hòa giải không thành của UBND xã; giấy tờ xác nhận ông và 2 hộ dân có đất bên trong không có lối đi khác ra đường công cộng; các giấy tờ có liên quan khác theo yêu cầu của tòa án trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án.
H. Trâm (thực hiện)