
Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri”.
Khai thác nhãn hiệu chứng nhận
Được thành lập vào tháng 8-2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Chánh, trụ sở tại xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri là một trong số 7 HTX có ngành nghề kinh doanh liên quan đến con bò của địa phương với 50 thành viên và số vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 271342 ngày 11-11-2016 công nhận NHCN “Bò Ba Tri Bến Tre”, UBND huyện Ba Tri đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN “Bò Ba Tri” cho HTX nông nghiệp Mỹ Chánh số 04/2018/GCN có giá trị đến ngày 5-8-2021. Đây là một trong 7 HTX có ngành nghề đăng ký liên quan đến “Bò Ba Tri” trên địa bàn huyện.
Bò Ba Tri có đặc điểm hình thái nổi bật, dễ nhận biết và khó lẫn lộn với các giống bò khác. Đó là màu lông vàng hoặc đỏ cánh gián, đầu dài, trán vồ, tai cúp, u cao, yếm dài, vai rộng, chân to. Đặc tính sinh trưởng có sức khỏe sinh sản tốt, ít mắc bệnh, trọng lượng tăng trưởng bình quân có thể đạt từ 1 - 1,5kg/ngày, trọng lượng bò trưởng thành tối đa đạt gần 1 tấn. Về chất lượng thịt đạt từ 60 - 70% so với trọng lượng cơ thể, ít mỡ, nhiều khoáng chất và hàm lượng đạm cao. Đây là NHCN bò không chỉ đầu tiên của tỉnh Bến Tre mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Từ việc được phép khai thác NHCN “Bò Ba Tri” và cùng với sự nỗ lực của tất cả các thành viên HTX, đến tháng 4-2019, HTX đã thu hút 200 thành viên tham gia và số vốn điều lệ lên đến 10 tỷ đồng (cổ đông góp vốn thấp nhất là 40 triệu đồng và cao nhất 1,2 tỷ đồng). HTX còn là điển hình trong việc thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp đầu vào giảm 5 - 10% tùy từng loại dịch vụ và mua lại đầu ra tăng 10% cho thành viên của HTX so với thị trường bên ngoài. Thị trường tiêu thụ đã được mở rộng ra các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, miền Đông và miền Trung. Doanh thu năm 2018 của HTX đạt 45 tỷ đồng, cao nhất nhì trong 136 HTX trên địa bàn tỉnh; là một trong các HTX có đóng góp thuế và chia lợi tức cho cổ đông.
Quản lý nhãn hiệu cộng đồng
Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi về khai thác quyền sử dụng NHCĐ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 19-10-2018 quy định về quản lý CDĐL thuộc tỉnh Bến Tre. Quy định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc quản lý, đăng ký sử dụng CDĐL thuộc tỉnh. Điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL và quyền của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL cũng như trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đều được quy định rõ ràng, chặt chẽ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 NHCĐ đã được cộng nhận với 2 CDĐL Bến Tre cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh; 4 NHCN: rượu Phú Lễ, bò Ba Tri, heo Mỏ Cày Nam và xoài tứ quý Thạnh Phú và 16 nhãn hiệu tập thể như: Mỹ Hưng cho sản phẩm tép rang dừa; An Thủy (Ba Tri), Bình Thắng (Bình Đại) cho sản phẩm tôm khô, cá khô; trái chôm chôm và măng cụt Chợ Lách, cây giống hoa kiểng Cái Mơn, lúa sạch Thạnh Phú, rau Phú Nghĩa (Ba Tri)...
Trên thực tế, khi đi từ miền Tây đến miền Đông và từ phía Nam ra phía Bắc, chúng ta thấy các cửa hàng, cửa hiệu đều trưng bày bảng hiệu dừa xiêm xanh Bến Tre, bưởi da xanh Bến Tre, trong khi tỉnh chưa có một thỏa thuận hợp tác chính thức được ký kết về quản lý NHCĐ giữa Bến Tre với các tỉnh. Do vậy, nếu quản lý chặt chẽ nhãn hiệu này, chắc chắn giá của đặc sản Bến Tre đã được bảo hộ sẽ tăng cao.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung xây dựng đề tài quảng bá, phát triển NHCĐ đối với các sản phẩm đã được chứng nhận và hoàn thiện mô hình khai thác quyền sử dụng NHCĐ nhằm nâng cao hiệu quả mà nhãn hiệu mang lại.
Bài, ảnh: Đặng Văn Cử