Kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ

25/04/2012 - 08:34

Coi vi phạm pháp luật về giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng kiến nghị Quốc hội tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên 200 triệu đồng, gấp 5 lần quy định hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên giải trình. - Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 24/4, giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và các giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đã bị xử lý, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 2.400 tỷ đồng.

Trong đó, Hà Nội đã xử lý  hơn 965.000 trường hợp, TP Hồ Chí Minh xử lý hơn 1,9 triệu trường hợp vi phạm và Đà Nẵng xử lý 102.000 trường hợp.

Tai nạn giao thông và vi phạm hành chính trong giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các thành phố lớn. Số vụ ùn tắc ở Hà Nội chiếm 22,1% tổng số vụ ùn tắc giao thông trên cả nước, trong khi TP Hồ Chí Minh chiếm 17%.

Các nhóm hành vi vi phạm giao thông đường bộ phổ biến là đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định (21,6%), tốc  độ (21,2%), dừng đỗ xe trái quy định (8,9%), không đội mũ bảo hiểm (9,3%), vi phạm quy định về nồng độ cồn, lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Mặc dù tai nạn giao thông trên cả nước cũng như tại 3 thành phố lớn đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại vẫn ở mức cao.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 98,2% số vụ, 96% số người chết, 98,8% số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm trên cả nước.

Nguyên nhân được nêu là do ý thức tự giác chấp hành luật của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh (bình quân 15%/năm, vượt khả năng đáp ứng nhu cầu thiết kế kết cấu hạ tầng) và một số bất cập từ các văn bản quản lý trong lĩnh vực giao thông đường bộ…

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng: Mức phạt tối đa 200 triệu đồng nếu được thông qua sẽ được áp dụng đối với các hành vi vi phạm gây thiệt hại nặng nề cho cộng đồng, kết cấu hạ tầng. - Ảnh: VGP/Thành Chung

Từ đó, Bộ Giao thông vận tải đặt ra các giải pháp thực hiện từ phía trách nhiệm của Bộ và kiến nghị các giải pháp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Theo đó, trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3 trong tháng 5 tới), Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xác lập thẩm quyền của Trưởng Ban, Đội trưởng, Trưởng bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành để phân cấp, giảm khối lượng công việc cho Chánh Thanh tra Sở, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ…

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ lên 200 triệu đồng (gấp 5 lần mức phạt hiện hành), nâng mức tiền xử phạt cho thanh tra viên và chiến sỹ công an nhân dân lên 2 triệu đồng…

Mức phạt tối đa này nếu được thông qua sẽ được áp dụng đối với các hành vi vi phạm gây thiệt hại nặng nề cho cộng đồng, kết cấu hạ tầng.

Đối với các vi phạm khác, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tịch thu, sung công đối với các trường hợp đua xe trái phép (không phân biệt chủ sở hữu), tạm giữ phương tiện đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.

Bộ cũng kiến nghị quy định chủ xe ô  tô phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng, coi đây là điều kiện bắt buộc để tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần rút gọn các thủ tục, biểu mẫu xử phạt, ngoài hình thức nộp tiền tại Kho bạc thì có thể nộp phạt qua tài khoản…

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, để thực hiện giảm tai nạn và ùn tắc giao thông thì giải pháp tăng mức phạt và thu phí chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp đồng bộ khác (cơ chế tài chính, đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật giao thông,…) mà Bộ đang thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với kiến nghị về mức phạt này. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ hơn trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về giao thông đường bộ nhằm tránh tiêu cực xảy ra.

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN