Chứng kiến nhiều phiên tòa xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” trong những năm gần đây, nhiều người không khỏi ngạc nhiên và đau lòng khi nguyên nhân, động cơ phạm tội của hầu hết bị cáo nhiều khi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, bộc phát nhất thời. Đó có thể là do va chạm trong sinh hoạt, khi đi trên đường, hoặc đơn giản chỉ là những lời nói, những cái nhìn thiếu thiện cảm giữa hai bên… mà nhiều người đã hành xử bạo lực, sẵn sàng dùng nắm đấm thậm chí hung khí để “giải quyết” mâu thuẫn,dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chuyện nhỏ hóa to
Một vụ án mà bị cáo chỉ vì muốn chứng tỏ mình là anh hùng nên sẵn sàng cầm dao đâm người không run tay. Chiều ngày 21-8-2008, Lương Thanh Hà (sinh năm 1989, ngụ tại phường 4, TP Bến Tre) chở bạn gái Nguyễn Minh Vy đến quán Tuấn Vy gần cầu Bà Mụ để mua sâu cho chim cảnh ăn. Sau khi mua xong, ra về, thì Huỳnh Tuấn (sinh năm 1993, ngụ phường 1, thành phố Bến Tre) dùng ná thun bắn chim đã bắn lạc đạn trúng vào tóc của Vy, không gây thương tích gì. Tuấn đã xin lỗi, nhưng Hà cự và đánh Tuấn. Tối 22-8-2008, sau khi nhậu xong, Hà vẫn còn nhớ chuyện hồi sáng với Tuấn lại còn phát sinh ý muốn gây thương tích cho Tuấn, nên đã lấy một con dao đi tìm Tuấn. Khi gặp Tuấn, Hà liền xông tới, đâm một nhát vào vùng vai trái phía sau lưng của Tuấn (tỷ lệ thương tật 21%). Hà bị tuyên phạt 3 năm tù giam.
Trường hợp của Nguyễn Hoài Thương: Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 19-5-2009, khi đi đám giỗ về, Hoài Thương (sinh năm 1983, ngụ tại xã Mỹ Thành, huyện Châu Thành) đến nhà anh Cao Văn Bé (xã Bình Phú, TP Bến Tre) để dự đám tang. Trong khi chờ đưa đám, Thương và anh Đỗ Văn Su (người viếng đám tang) có mâu thuẫn với nhau vì anh Su nghi ngờ Thương lấy gói thuốc lá của mình. Được mọi người can ngăn, anh Su ra về, nhưng Thương đã đuổi theo, dùng một đoạn cây trứng cá còn tươi đánh nhiều nhát vào đầu và tay phải của anh Su. Tỷ lệ thương tật của anh Su được xác định là 30%, Hoài Thương bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam.
Một vụ án khác: Vào đêm 17 rạng ngày 18-3-2010, Phạm Hữu Duy (sinh năm 1983, ngụ tại phường 6, TP Bến Tre) cùng bạn là Trần Minh Hải vào uống nước tại quán bar 007 (ấp 1, xã Sơn Đông, TP Bến Tre) thì xảy ra mâu thuẫn với Hồ Hùng Quốc và Huỳnh Hòa Cương. Duy đã dùng dao xếp đâm một nhát vào đùi Cương gây thương tật 4% và đâm ba nhát vào đùi Quốc gây thương tật 62%. Hồ Hùng Quốc bị cưa bỏ chân. Phạm Hữu Duy bị tuyên phạt 7 năm tù giam.
Nguyên nhân phạm tội
Theo ông Bùi Quang Sơn - Phó Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh, hiện nay những vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ nhưng hai bên giải quyết bằng bạo lực đang có chiều hướng gia tăng. Bà Nguyễn Thị Bích Huyền - Chánh án Tòa án nhân dân TP Bến Tre cho biết: Giải thích cho hành động của mình, nhiều bị cáo trình bày, do lúc đó cơn giận nổi lên, không bình tĩnh. Còn theo ý kiến của ông Đàm Ngọc Hùng - Phó Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay, do nhu cầu làm ăn, kiếm tiền, nhiều bậc cha mẹ đã bỏ bê, thiếu quan tâm chăm sóc con cái. Nhà trường chỉ chú trọng việc dạy chữ mà chưa quan tâm việc thông qua dạy chữ để dạy người. Xã hội đang tồn tại môi trườnggiải trí thiếu lành mạnh cho thanh thiếu niên, như: game, phim bạo lực, lối sống thực dụng,… Luật sư Trương Thị Xem đã có nhiều lần tham gia các vụ án loại này, chia sẻ: Nguyên nhân dẫn đến các vụ án cố ý gây thương tích thường là do những mâu thuẫn sau cuộc nhậu, trong đó cả bị cáo lẫn người bị hại đều có lỗi. Trung tá Lê Văn Thơm - Trưởng Công an xã Phú Nhuận, TP Bến Tre, cho rằng, những vụ án như trên xuất phát từ sự nhận thức pháp luật một cách chưa đầy đủ của người dân. Từ đó, họ không lường trước được hậu quả của những hành vi do mình gây ra.
Giải pháp: vấn đề của xã hội
Việc ngăn chặn và phòng ngừa loại tội phạm này rất cần sự quan tâm, quản lý của gia đình. Bên cạnh đó là sự đổi mới của ngành giáo dục trong thực hiện chương trình giảng dạy; chú trọng phương ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chính quyền và các đoàn thể trong từng thôn xóm cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng hộ gia đình; giáo dục lối sống, sinh hoạt lành mạnh, bổ ích trong từng gia đình.
Thiết nghĩ, các ngành có liên quan nên phối hợp tiến hành một cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu xem giới trẻ ngày nay đang suy nghĩ gì, đang thiếu gì, cần gì, để có biện pháp giáo dục cho phù hợp. Lực lượng công an cơ sở cần làm tốt công tác quản lý địa bàn, đối tượng; tham mưu cho chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng, chống tội phạm; kịp thời phát hiện, nắm bắt các mâu thuẫn nhỏ lẻ của quần chúng nhân dân để tổ chức hòa giải. Cơ quan điều tra cần triển khai và thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và giải tán các nhóm thanh thiếu niên có biểu hiện tụ tập gây rối, gây mất trật tự và phạm tội cố ý gây thương tích.