Một số điểm mới trong quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị

01/12/2021 - 10:49

BDK.VN - Thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế công tác dân vận (CTDV) của hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 306-QĐ/TU, ngày 19-11-2021 về việc ban hành Quy chế CTDV của hệ thống chính trị (Quy chế 306) để lãnh đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia và Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: N. Diễm

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia và Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Huỳnh Long

Trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện

Quy chế 306 ra đời sẽ thay thế quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 1669-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung cơ bản của Quy chế 306 gồm 4 chương, 28 điều. Trong đó, Chương I: Những quy định chung (3 điều), Chương II: Trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện CTDV (3 mục, 13 điều), Chương III: Phương thức thực hiện CTDV (8 điều), Chương IV: Tổ chức thực hiện (4 điều).

Quy chế 306 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CTDV trong hệ thống chính trị: “Dân vận và CTDV là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữ Đảng, Nhà nước với Nhân dân. CTDV là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị”.

Quy chế nêu rõ, các cấp ủy lãnh đạo trực tiếp CTDV; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện hiệu quả CTDV.

Trước hết là trách nhiệm lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDV, bao gồm việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các giai cấp và các tầng lớp xã hội, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Lãnh đạo về tổ chức, nhân sự; quyết định cán bộ có năng lực phụ trách CTDV, làm lãnh đạo chủ chốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn.

Lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện CTDV là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì nghiên cứu, tham mưu về chủ trương, chính sách và giải pháp CTDV. Các cơ quan phối hợp gồm Văn phòng Tỉnh ủy, các ban đảng tỉnh và Trường Chính trị tỉnh. Cơ quan thực hiện CTDV là các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Đặc biệt, Quy chế còn quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước như: HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, các cơ quan tư pháp, lực lượng vũ trang và chính quyền các cấp trong xây dựng các chương trình, kế hoạch  cụ thể triển khai các chủ trương, nghị quyết, chương trình CTDV. Phân công Chủ tịch UBND phụ trách CTDV và chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhiều điểm mới quan trọng

Tiếp tục kế thừa những nội dung cơ bản trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 1669-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2010; đồng thời tiếp thu, vận dụng đầy đủ những nội dung cốt lõi trong Quy chế 23 của Trung ương; Quy chế 306 có nhiều điểm mới quan trọng trong quy định trách nhiệm, cơ chế, phương thức CTDV của hệ thống chính trị, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Bổ sung rõ và đầy đủ hơn trách nhiệm của một số cơ quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trong đó, về nhân sự, phân công đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp trực tiếp làm trưởng ban dân vận; trường hợp không có ban dân vận thì phân công một đồng chí cấp ủy phụ trách CTDV (Quy chế trước đây chỉ phân công cấp ủy viên và đảng viên trực tiếp làm CTDV). Bổ sung nhiệm vụ dân vận vào chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (trước đây không có quy định).

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia cho biết: Điểm mới quan trọng nhất của Quy chế hiện nay chính là thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đối với CTDV, thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và thực hiện phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, còn một số điểm mới về phát huy dân chủ; vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; quy định đầy đủ 5 phương thức lãnh đạo, thực hiện CTDV, đó là: tuyên truyền, vận động; cụ thể hóa chủ trương, đường lối; xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ; gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiểm tra, giám sát.

“Những điểm mới trên là phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình mới cũng như cụ thể hóa được nhiệm vụ, giải pháp về CTDV mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra; đồng thời sát với Quy chế 23 của Bộ Chính trị”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia nhấn mạnh.

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy chế công tác dân vận (CTDV) của hệ thống chính trị theo Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị khóa X, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng Quyết định số 1669-QĐ/TU, ngày 27-5-2010. Qua tổng kết đánh giá thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ của CTDV trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành mới Quy chế CTDV của hệ thống chính trị theo Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30-7-2021.

Nguyễn Diễm 
Ban Dân vận Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN