Mua đất bằng giấy tay, lắm điều thua thiệt!

04/09/2009 - 08:38

Trong đơn gửi Báo Đồng Khởi,  ông Võ Văn Hải, ngụ xã Thới Thuận, Bình Đại phản ánh việc ông mua đất, tọa lạc tại xã Đại Hòa Lộc (Bình Đại), nhưng ông Lê Văn Nê (người đứng tên chủ quyền đất) không chịu làm thủ tục chuyển nhượng cho ông. Ông Hải cho rằng mình bị lừa. Xung quanh vụ việc trên, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng huyện Bình Đại và có được thông tin sau:

Năm 1994, ông Nê cùng vợ có mua của ông Lương Văn Vũ (xã Đại Hòa Lộc) 331,5 m2 đất, trị giá bấy giờ là 13 chỉ vàng 24k. Sau đó, ông Nê làm thủ tục và được UBND huyện Bình Đại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN.QSDĐ), số 284 QSDĐ/171/QĐ-UB, cấp ngày 28-7-1995,  thuộc tờ bản đồ số 1, thửa 791, diện tích 300 m2, đất thổ cư, tọa lạc tại xã Đại Hòa Lộc, mặt tiền đường liên xã thị trấn Bình Đại, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị.

Ngày 6-8-1996, ông Nê làm giấy tay chuyển nhượng 136 m2 đất (ngang 8m, dài 17m) nêu trên, với giá hai triệu đồng cho ông Thái Thành Nhựt, ngụ xã Đại Hòa Lộc và được UBND xã xác nhận chữ ký nhưng không ghi rõ tên thửa đất, tờ bản đồ. Năm 2000, ông Nhựt làm giấy tay bán lại phần đất này cho ông Võ Văn Hải, ngụ xã Thới Thuận với giá 40 chỉ vàng 24k. Đầu năm 2008, ông Hải có nhu cầu bán lại đất này cho người khác, vì không có miếng giấy “lận lưng” nên mới chạy lo làm GCN.QSDĐ và xảy ra tranh chấp.

Theo xác nhận của anh Phan Tấn Đạt (cán bộ địa chính) cùng anh Phạm Thành Phước (cán bộ tư pháp) xã Đại Hòa Lộc: “Việc mua bán giữa các bên không thông qua UBND xã nên chúng tôi không biết. Lúc xảy ra tranh chấp thì ông Hải mới có đơn kiện ông Nhựt”. Ngày 17-11-2008, ông Hải gửi đơn khiếu nại ông Nhựt việc không làm GCN.QSDĐ cho ông, sau đó rút đơn. Ngày 18-12-2008, ông Hải tiếp tục gửi đơn khiếu nại ông Nhựt cũng với nội dung trên. Tại cuộc họp hòa giải (thành) ngày 5-3-2009, hội đồng hòa giải xã đã thống nhất nội dung: ông Nhựt có trách nhiệm liên hệ với ông Nê để làm GCN.QSDĐ, sau đó làm thủ tục sang tên cho Hải; mua bán giữa ông Hải với ông Nhựt thì ông Hải phải chịu đóng thuế; mua bán giữa ông Nê với ông Nhựt thì hai bên tự thỏa thuận việc đóng thuế. Thế nhưng, ông Nhựt không làm được GCN.QSDĐ nên ông Hải tiếp tục khiếu nại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Thành Nhựt cho biết: “Lúc mới bán đất, đã nhiều lần tôi kêu ông Hải lo làm giấy tờ mua bán cho hợp lệ, nhưng  ông không tới. Đến năm 2008, ông Hải mới có nhu cầu làm sổ đỏ và xảy ra tranh chấp”. Theo ông Lê Văn Nê, người đang đứng tên GCN.QSDĐ: “Tôi bán đất cho ông Nhựt thì làm giấy tờ chuyển nhượng cho ông Nhựt. Tôi không trực tiếp làm thủ tục chuyển nhượng với ông Hải vì sợ làm vậy là vi phạm pháp luật”. Thực tế, từ khi có xảy ra tranh chấp, ngày 10-1-2008 giữa ba ông Nê-Nhựt-Hải có làm một tờ thỏa thuận, nội dung: công nhận việc có bán đất cho nhau, nhưng không ghi cụ thể vị trí bản đồ thửa đất (chỉ ghi đất này cặp lộ liên xã Đại Hòa Lộc-thị trấn Bình Đại), không ghi ỉdiện tích là bao nhiêu (chỉ ghi chiều ngang 7,5m, dài 17m); trong đó có nêu: “Ông Nê trực tiếp làm giấy chuyển quyền sử dụng đất trực tiếp cho ông Hải mà không qua ông Nhựt với chiều ngang cặp lộ là 7,5m (do phần đất này trong thời gian ông Nhựt sử dụng bị thất thoát, trước đây chiều ngang là 8m)”.

Theo ông Trần Văn Nam-Phó trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Bình Đại: “Chúng tôi không xác định được thời gian giao GCN.QSDĐ cho ông Nê. Theo quy định của pháp luật, người bán đất phải có GCN.QSDĐ và hai bên mua-bán phải làm hợp đồng chuyển nhượng, đóng thuế theo luật định, sau đó mới được cấp GCN.QSDĐ”.

Luật Đất đai quy định: “Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai; không sử  dụng, sử dụng đất không đúng mục đích” (Điều 15-Luật Đất đai) và Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định cụ thể hình thức xử phạt việc chuyển nhượng đất không thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai. Vì sao việc chuyển nhượng đất trái pháp luật này (diễn ra từ năm 1996) được UBND xã xác nhận chữ  ký, lại kéo dài trong suốt thời gian dài, dẫn đến khiếu nại?

Qua trao đổi cùng một số dân cư ngụ tại địa phương, chúng tôi được biết, tại xã Đại Hòa Lộc hiện còn nhiều trường hợp mua bán đất bằng giấy tay mà không thông qua cơ quan chức năng. Việc mua bán trái pháp luật này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khác, cụ thể là khiếu kiện kéo dài và kiện tụng nhau ra tòa, trong đó phần thua thiệt thường là người mua.

 “Phạt tiền từ  200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với hành vi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai”.

(Điều 13-Nghị định 182/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định).

Phòng BĐ&CTV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN