Năm 2011: Nhiều chính sách mới dành cho giáo viên

15/07/2011 - 07:24

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được tính hưởng từ ngày 1-5-2011

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011, quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Theo đó, nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục, được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Đối tượng áp dụng chế độ này là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đã được chuyển xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Chính phủ quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định nêu trên để tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên là khoảng thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật BHXH; thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Giảng viên giáo dục quốc phòng - an ninh  hưởng 1% lương tối thiểu/tiết giảng

Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính vừa công bố (dự thảo) Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN). Theo đó, giáo viên, giảng viên GDQP-AN, bao gồm: giáo viên, giảng viên chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học và trung tâm GDQP-AN sinh viên (bao gồm giảng viên là sĩ quan biệt phái) được hưởng 1% mức lương tối thiểu chung cho một tiết giảng hoặc giờ giảng (gọi chung là tiết giảng). Chế độ bồi dưỡng này không trùng với các khoản phụ cấp đã có trong chế độ tiền lương. Đối với báo cáo viên, giáo viên, giảng viên thỉnh giảng không thực hiện chế độ bồi dưỡng này, được cấp phát trang phục đồng bộ theo kiểu dáng quân phục sĩ quan hiện hành. Một bộ trang phục bao gồm: quần dài, áo dài, dây lưng, mũ mềm (hoặc cứng), giày da, bít tất, biển tên. Cán bộ quản lý, giáo viên và giảng viên GDQP-AN kiêm nhiệm năm đầu tiên được cấp hai bộ trang phục Xuân - Hè và Thu - Đông; từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm được cấp một bộ trang phục Xuân - Hè hoặc Thu - Đông. Giáo viên, giảng viên GDQP-AN chuyên trách mỗi năm được cấp hai bộ trang phục Xuân - Hè và Thu - Đông.

Lớp có trẻ hòa nhập, giáo viên được tính thêm giờ dạy

Bộ GD&ĐT vừa công bố (dự thảo) quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, bao gồm thời gian làm việc, thời gian nghỉ, hệ số giờ dạy, định mức giờ dạy, chế độ giảm định mức giờ dạy và quy đổi các hoạt động khác ra giờ dạy. Theo đó, giáo viên dạy lớp có trẻ hòa nhập, ngoài thực hiện định mức giờ dạy như trên, được tính thêm giờ dạy để hưởng phụ cấp vượt giờ. Cụ thể, lớp có 1 trẻ cần dạy hòa nhập, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày. Giờ dạy của giáo viên mầm non được tính hệ số 1,33. Theo quy định về định mức giờ dạy tại dự thảo này, giáo viên dạy các nhóm trẻ; lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi người phải dạy 6 giờ/ngày. Giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày, mỗi người phải dạy 4 giờ/ngày và thực hiện các công việc khác do hiệu trưởng quy định, để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Thời gian làm việc trong một năm của giáo viên mầm non là 42 tuần, trong đó, 35 tuần làm công tác chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ, 5 tuần dành cho học tập, tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, 1 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và 1 tuần dành cho việc tổng kết năm học. Thời gian nghỉ trong một năm của giáo viên được quy định gồm nghỉ hè, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác. Riêng thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hàng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có). Với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, ngoài các công việc theo quy định, mỗi tuần hiệu trưởng phải làm công tác chuyên môn (nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, dự giờ giáo viên) 2 giờ; phó hiệu trưởng phải làm công tác chuyên môn 4 giờ. Giáo viên kiêm bí thư chi bộ nhà trường, chủ tịch công đoàn giáo dục nhà trường được giảm 4 giờ/tuần. Giáo viên kiêm chủ tịch hội đồng trường được giảm 3 giờ/tuần. Giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn của khối lớp (nhà trẻ, mẫu giáo nhỏ, nhỡ, lớn) được giảm 3 giờ/tuần. Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống, mỗi ngày được giảm 0,5 giờ dạy.

Thông tư này áp dụng đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, giáo viên làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

H.T (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN