Ông N.V.T có nhu cầu tư vấn: Ông H thiếu tôi 700 triệu đồng, sau đó có ý định bán 500m2 đất lúa cho tôi để trừ nợ. Tháng 3-2023, tòa sơ thẩm xét xử và tuyên buộc ông H phải trả tôi bằng tiền 700 triệu đồng. Ông H kháng cáo. Trong khi chờ tòa án xét xử phúc thẩm thì ông H đã làm thủ tục chuyển nhượng phần đất 500m2 cho người thân. Xin hỏi, ông H cố ý tẩu tán tài sản để trốn tránh việc trả nợ. Tôi phải làm sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo thông tin ông cung cấp thì ông H đã có hành vi tẩu tán tài sản nhằm để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, thể hiện qua việc ông làm thủ tục chuyển nhượng 500m2 đất cho người thân (đất này ông H hứa bán cho ông để trừ nợ). Tuy nhiên, ông phải có cơ sở và chứng cứ chứng minh hành vi cố tình trốn tránh việc trả nợ của ông H.
Quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) quy định tại Chương VIII của bộ luật này.
Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, ông có quyền yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm áp dụng BPKCTT nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của ông H.
Ông có thể làm đơn yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ trả nợ cho ông là ông H theo quy định tại Điều 126 BLTTDS: “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.
Đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT phải thể hiện các nội dung chính theo quy định tại khoản 1, Điều 133 BLTTDS như sau: Ngày, tháng, năm làm đơn; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT; tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; lý do cần phải áp dụng BPKCTT; BPKCTT cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng BPKCTT mà người yêu cầu phải cung cấp cho tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp đó. Trường hợp của ông, cần phải có chứng cứ chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cụ thể như việc mua bán phần đất 500m2 của ông H cho người thân với giá cả bất thường, với mức giá rất thấp, không đúng với giá trị thực hoặc thậm chí không có giá trị và việc chuyển nhượng chỉ để hợp pháp hóa nhằm để đối phó (không trả nợ cho ông); ghi âm, ghi hình hoặc có người làm chứng về hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh trách nhiệm trả nợ của ông H…
Theo quy định pháp luật, người yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
H. Trâm (thực hiện)