Ngăn chặn kẻ xấu phá rối lớp học trực tuyến

01/12/2021 - 06:24

BDK - Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng kẻ lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến của các em học sinh để quậy phá, chửi tục, phát tán video phản cảm trong giờ học. Hành vi phá rối này tuy chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng học tập của học sinh cũng như uy tín của giáo viên, nhà trường.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành họp trao đổi với cơ quan công an về tình trạng kẻ lạ xâm nhập lớp học trực tuyến.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành họp trao đổi với cơ quan công an về tình trạng kẻ lạ xâm nhập lớp học trực tuyến.

Vào giữa tháng 10-2021, trong một buổi học trực tuyến của học sinh lớp 7, Trường THCS Tam Phước, huyện Châu Thành, bị một kẻ lạ xâm nhập và có hành vi quấy phá như: mở nhạc, nhún nhảy… Trước sự lo lắng của học sinh, sau gần một phút thao tác, giáo viên đã đuổi được người này ra khỏi lớp học trực tuyến.

Đây chỉ là một trong 4 trường hợp lớp học trực tuyến của học sinh trên địa bàn huyện Châu Thành bị kẻ lạ xâm nhập thời gian qua. Không chỉ có hành động quậy phá, gây nhiễu, các tài khoản lạ còn phát tán hình ảnh phản cảm, có lời lẽ tục tĩu, chửi bới thầy cô, học sinh ngay trên lớp học.

Trước tình hình trên, cô Nguyễn Thị Ngọc Hân - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo từ các trường bị kẻ lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến gây rối, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan công an để được trao đổi, hướng dẫn các cách ngăn chặn, xử lý khi bị đối tượng xấu xâm nhập vào lớp học trực tuyến. Đến nay, các giáo viên đã nắm được các thao tác để ngăn chặn không cho kẻ xấu xâm nhập vào lớp học, các trường học trên địa bàn huyện không còn xảy ra tình trạng như trên nữa”.

 Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số các trường học trong cả nước, trong đó có tỉnh đều tổ chức dạy học trực tuyến. Việc học tập trực tuyến phần lớn thông qua các ứng dụng như: Google Meet, Zoom, Microsoft Team... Để tham gia lớp học, học sinh cần phải được người quản lý hay giáo viên cung cấp mật khẩu, ID hoặc đường link để đăng nhập vào lớp học. Tuy nhiên, bằng nhiều cách, kẻ lạ đã lấy được mật khẩu, ID hoặc đường link này để xâm nhập. Trong đó, có trường hợp học sinh chia sẻ mật khẩu cho người khác, ID bị hack, sau đó tiếp tục chia sẻ đường link, ID lớp học lên mạng xã hội cho nhiều người xâm nhập phá rối.

Để đảm bảo chất lượng dạy và học, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rối như trên xảy ra, giáo viên, học sinh và phụ huynh cần nắm một số kỹ năng khi học trực tuyến. Trung tá Lưu Gia Hiến - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: “Đối với giáo viên, cần được tập huấn kỹ về các phần mềm dạy học trực tuyến, khuyến khích nhà trường sử dụng các phần mềm có bản quyền, phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng. Chú ý điểm danh học sinh trước khi dạy và khóa lớp học khi đầy đủ học sinh. Tắt chức năng chia sẻ màn hình và âm thanh của học sinh, chỉ mở khi cần thiết. Đối với phụ huynh và học sinh, tuyệt đối không được cung cấp mật khẩu, ID, đường link lớp học cho người khác”.

Theo các chuyên gia, đối với cá nhân, tổ chức tham gia, xâm nhập trái phép vào lớp học để gây rối, làm cản trở hoạt động giảng dạy của nhà trường và các tổ chức, theo quy định của pháp luật, tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.

Cụ thể, trường hợp các cá nhân xâm nhập vào lớp học quậy phá có thể vi phạm điểm e khoản 1 Điều 18 Luật an ninh mạng đối với các “hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” sẽ bị phạt tiền tư 20 - 60 triệu đồng. Đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Quy định tại điểm d khoản 1 Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy qua tranh, ảnh, phim nhạc phổ biến cho từ 10 - 20 người thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Cũng hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy nêu trên, nhưng nếu các cá nhân truyền bá trong lớp học của người dưới 18 tuổi thì trách nhiệm phải chịu có thể là phạt tù từ 3 - 10 năm.

Bài, ảnh: Thanh Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN