Người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án sơ thẩm

08/07/2018 - 20:07

Ông Nguyễn Hoàng Nhật Phi (Bình Đại) có nhu cầu tư vấn: Tôi được ông Hoài, hiện đang ở nước ngoài, ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm xét xử tranh chấp tài sản thừa kế. Ông Hoài (nguyên đơn) bị thua kiện nên muốn kháng cáo.

Xin hỏi: Tôi có thể đại diện cho ông Hoài kháng cáo được không? Ông Hoài có được cơ quan tòa án tống đạt bản án thông qua ủy thác tư pháp hay không?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Người đại diện trong tố tụng dân sự (TTDS) bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Người đại diện theo ủy quyền trong TTDS thực hiện quyền và nghĩa vụ TTDS của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.

Trường hợp của ông, được ông Hoài đang ở nước ngoài, ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, nếu nội dung văn bản ủy quyền có ghi rõ “… ông Phi được toàn quyền quyết định, giải quyết những vấn đề có liên quan đến vụ án”, thì ông Phi có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định tại Khoản 1, Điều 71, của Bộ luật TTDS năm 2015.

Do ông được ông Hoài ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm nên Tòa án cấp sơ thẩm sẽ cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của tòa án cho ông. Có thể tòa án sẽ không tống đạt trực tiếp bản án cho ông Hoài đang ở nước ngoài.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 474 Bộ luật TTDS năm 2015, tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án cho đương sự của nước ngoài theo một trong các phương thức sau đây:

a. Theo phương thức được quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b. Theo đường ngoại giao đối với đương sự cư trú ở nước mà nước đó và nước Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế;

c. Theo đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài với điều kiện pháp luật nước đó đồng ý với phương thức tống đạt này;

d. Theo đường dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài;

đ. Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam thì việc tống đạt có thể được thực hiện qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015;

e. Theo đường dịch vụ bưu chính cho người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam của đương sự ở nước ngoài.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN