BDK.VN - Gặng hỏi ông Lê Văn Ý về kỷ niệm với bến đò Cây Sắn, mới biết, thật ra ông chỉ là con nuôi của cha mẹ, vì mẹ ông trong một cơn đói đã cho ông đi, khi ông mới 5 tuổi. Không đau khổ, hờn giận trước số phận trăm lần nghiệt ngã, cuộc đời người thương binh Lê Văn Ý là bằng chứng sống động về một tình yêu quê hương đậm sâu.
Thương binh Lê Văn Ý bên bến đò Cây Sắn, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc.
Tuổi thơ chăn trâu
Năm 1950, ông Lê Văn Ý mới 10 tuổi, ông vào xóm Gò Nổi (ngay UBND xã Phú Mỹ hiện nay), giữ trâu cho ông Bảy Xuân. Xóm Gò Nổi là chỗ có gò đất nổi lên, nơi đây bỏ hoang khoảng 1.000 công đất. Những năm đó, người dân Phú Mỹ chỉ cấy lúa mỗi năm được một mùa. Thế nên, những mùa không có trồng lúa, người dân lùa hết trâu, vịt lên gò nổi bỏ đó. “Ban đêm cán bộ cách mạng của ta đi lại giữa những bót giặc, qua xóm Gò Nổi, cán bộ cần người canh gác, thế là ba đứa nhỏ mới 10, 11 tuổi gồm: Tám Ý, Ba Ích, Năm Chỉ làm nhiệm vụ canh gác. Nếu có động, mà còn thời gian thì 3 đứa con nít chúng tôi đội nón, giả bộ lùa trâu; nếu tình hình nguy cấp, không còn đường vô báo, thì 3 đứa tui đánh lộn nhau thì cán bộ kiếm đường chạy đi. Rồi tôi làm liên lạc, đi giao thư cho cách mạng...”, ông Tám Ý kể kỷ niệm tuổi thơ.
Nhờ biết nấu nước bằng siêu đất không hôi khói, mà Lê Văn Ý, 10 tuổi được cán bộ “chọn” làm người nấu nước pha trà. “Tôi nấu nước, pha trà mới được nghe cán bộ kể chuyện Bác Hồ. Bác Hồ căn dặn ta phải chống 3 loại giặc, giặt thứ nhất hiện tại là giặc cướp nước, giặc thứ hai là giặc đói, nhưng đặc biệt nguy hiểm nhất là giặc dốt. Giặc dốt nguy hiểm nhất vì chúng muốn cho dân mình ngu, không có trình độ, không chống lại sự đô hộ được. Đất nước hòa bình, tôi mới 35 tuổi, cũng còn có người cho tôi gá nghĩa vợ chồng, nhưng tôi nhìn các cháu nhỏ ca múa trên sân khấu, tôi mới nhớ lời Bác Hồ “phải diệt giặc dốt”. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi có con, chưa chắc gì con tôi học giỏi được... Nên tôi quyết định không lấy vợ, không sinh con, để dành cuộc đời lo cho học trò nghèo đi học, đến nay, tôi đã lo được cho 10 đứa nhỏ học đại học”, ông Tám Ý vui mừng kể.
Khúc sông Hàm Luông này ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp có rất nhiều đồn bót. Nhiều bộ đội đã hy sinh ngay ở khúc sông này. Bạn bè ông Tám Ý hy sinh nhiều lắm trên khúc sông này. Kể về lần bị thương nặng, ông Lê Văn Ý cho hay, năm đó, ông làm công tác thông tin (nhờ viết chữ đẹp và rõ ràng nên được cách mạng chọn làm thông tin), lãnh thêm công tác ấp đội. Năm 1963, ông Lê Văn Ý được đưa qua làm quân báo. Ông Tám Ý được giao theo dõi hoạt động hàng ngày của Đại đội 108 và Đại đội 997 của giặc. Đến ngày 10-4-1966, đoán địch sắp tấn công, Lê Văn Ý được lệnh đi gài lựu đạn, thì xui cho ông là đã có người gài trước đó, vì vướng trái mà ông Tám Ý bị thương nặng.
Bờ sông Hàm Luông năm đó có mộ người bộ đội bị giặc bắn chết. Hòa bình rồi, ông Tám Ý về kiếm mộ người bộ đội, nhưng bến sông đã lở vô đất liền khoảng 50m, mộ người chiến sĩ trôi xuống sông, cây Sắn năm nào cũng đổ vào dòng Hàm Luông. Những nỗi buồn man mác về một thời chiến tranh đau thương và mất mác hiện về trong mắt người thương binh, đôi mắt chỉ còn một bên...
Trọn tình với quê hương
“Đánh đuổi được giặc ra khỏi đất nước, thống nhất đất nước là điều rất khó; bảo vệ và xây dựng đất nước lại còn khó hơn. Tôi bây giờ có làm gì được để bảo vệ, để xây dựng đất nước đâu. Nhưng các cháu Tài, Long, Ẩn, Bảo... đã giúp được xã hội, các cháu còn lại thì có được trình độ, nhận thức để làm ăn, làm công dân tốt”, ông Tám Ý bộc bạch.
Trước khi chia tay ông Tám, tôi còn nán lại chần chừ vì lòng quý mến ông. “Đời tôi là đã mãn nguyện, chết nhắm mắt được rồi. Vì tôi không có nhục vì là dân mất nước, tôi không có thẹn với bạn bè điều gì. Thực ra, tôi không dám ăn, không dám mặc gì cả, nhiều hôm đi về tôi đói lắm mà ráng chịu, chứ không nói ra. Tôi nghĩ, mình nhịn ăn bữa này (để có tiền lo cho các em nhỏ - PV) thì sau này nhiều người sẽ được no. Thành công không phải của một người thì là thành công, thành công phải là của một tập thể. Có một mình mà làm cái gì, giỏi có một mình cũng không làm gì được. Bởi vì “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” mới có “Thành công, thành công, đại thành công””, người thương binh già thổ lộ.
Trải qua nhiều thăng trầm, người lính già trở lại bến đò Cây Sắn ven sông Hàm Luông, nơi có nhiều kỷ niệm với ông. Ông Lê Văn Ý đã bỏ lại ngôi nhà đầu tiên mình cất và mảnh đất có vườn nguyệt quế để được yên ổn lo cho 10 trò nghèo, không có máu mủ với ông. Ông Tám Ý một thân một mình ra bến đò Cây Sắn dựng căn chòi ở che mưa nắng. UBND xã Phú Mỹ 3 lần đến cấp nhà tình nghĩa, ông Tám đều từ chối. Ông nói bản thân ông chỉ có một mình, nên hãy lo cho những người thương binh có gia đình trước, họ cần nhà hơn ông. Công chức ở xã thuyết phục mãi, ông Tám mới nhận căn nhà tình nghĩa, đó là căn nhà hiện ông đang ở.
Với tình yêu quê hương đậm sâu, cuộc đời người thương binh Lê Văn Ý (84 tuổi) như con đò nhỏ chống chèo, cống hiến hết sức lực để đưa học trò nghèo đến bến bờ tương lai. Các em nhỏ đã yên bề rồi, thì ông Tám cũng già yếu, nhưng nụ cười mãn nguyện của ông vẫn nở trên môi.
Gặng hỏi về kỷ niệm với bến đò Cây Sắn, tôi chết lặng khi biết, ông Lê Văn Ý chỉ là con nuôi của cha mẹ. Vì mẹ ruột ông Ý trong một cơn đói đã trao Ý cho một cặp vợ chồng nọ, do họ hai lần sinh con đều không nuôi được, khi đó ông Ý chỉ mới 5 tuổi. Ông Tám Ý kể về người mẹ không biết còn sống hay đã chết trong cơn đói 1945, mắt ông nhòe lệ... Thế nên - ông Ý mới về lại bến đò Cây Sắn, để nhớ về nơi mẹ ông đã đi qua và cho ông ở lại - tại bến đò này. Lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách (trước đây gồm có Phú Sơn và Phú Mỹ) có ghi lại vào năm 1945, đời sống người dân ở Phú Mỹ rất đói khổ.