Người thương binh nặng tình với quê hương

21/08/2024 - 05:32

BDK - Trong vòng 11 năm, tôi nhiều lần đến viết bài và đến chơi nhà thương binh Lê Văn Ý (Tám ý), sinh năm 1940, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc. Mỗi lần đến, nhiều câu chuyện hay, ý nghĩa cứ dần hé lộ. Nay cụ đã 84 tuổi, sức khỏe yếu, phải chống gậy... Bài viết được thực hiện với mong ước ghi lại cuộc đời đẹp như “ông Bụt” của thương binh Lê Văn Ý.

Thương binh Lê Văn Ý, 84 tuổi, hiện ngụ tại xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc.

Nhớ lời Bác Hồ dạy

Tháng 7-2023, nhân chuyến công tác tại huyện Mỏ Cày Bắc và gần đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), tôi soạn theo ít quà tới thăm thương binh Lê Văn Ý, gồm: 1 bộ đồ pijama dài tay với ổ bánh bông lan. Đến bến đò Cây Sắn, nhà ông tám ý ngay bến đò. “Cô đến chơi được rồi, đem theo quà làm gì. Tôi có đủ hết rồi, không thiếu gì cả”, ông Lê Văn Ý vừa nói, vừa pha bình trà nóng.

Dự tính tôi chỉ đến thăm ông chốc lát rồi đi. Vậy mà, một cơn mưa kéo đến. Mưa nặng hạt dần dội rầm rầm lên mái tôn nhà ông Tám. Nhà ông không có la-phông nên tiếng mưa át cả tiếng người, tôi phải nói lớn và ngồi sát mới nghe được ông nói.

Mưa lớn và kéo dài, tôi ngồi đến mấy tiếng. Nhờ vậy, nghe được nhiều câu chuyện hay từ ông Tám Ý. Năm 1978, tỉnh còn nghèo. Nhìn người dân còn đói, ông Tám Ý bỗng nhớ đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào kêu gọi người dân thi đua “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. “Tôi nhớ Bác Hồ nói ráng mà học trong kháng chiến này để mà làm. Còn khi hòa bình rồi thì phải ráng học để cải tạo xã hội theo đà phát triển của thế giới. Giặc dốt làm cho mình ngu dân, không biết cái đúng, cái sai, giặc mới dễ bề áp đặt ách thống trị. Tôi liên hệ ngay cái thân mình, nếu mình có cha, thì mình đã không dốt, không đi chăn trâu... Thế nên, tôi mới quyết tâm lo cho mấy em nhỏ được học hành. Sau này, các em giúp ích cho đất nước”, ông Tám Ý kể.

Đến nay, thương binh Lê Văn Ý đã giúp cho 10 học trò nghèo có điều kiện theo đuổi con chữ. 10 học trò nghèo này đều tốt nghiệp đại học, ổn định cuộc sống. Trong đó, có anh Nguyễn Văn Tài hiện là Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ. “Mấy em nhỏ đó đều học giỏi, mà chỉ thiếu phương tiện một chút xíu thôi. Đó là các em không có tiền đóng học phí, mua tập, mua bút... Có 3 đứa là Bùi Minh Long, Lê Quốc Bảo, Phạm Văn Giang là tôi nhận làm con nuôi. 7 đứa còn lại là tôi hỗ trợ bằng tiền trợ cấp thương binh của tôi”, thương binh Lê Văn Ý chia sẻ.

Chỉ biết cho đi

Người thương binh nặng ¼ Lê Văn Ý chân phải cụt tới đầu gối, bàn tay phải mất chỉ còn trơ cổ tay, một bên mắt trái hỏm sâu vì không còn con ngươi. Càng kể về các học trò quê mình chịu khó học tập và học giỏi, mắt còn lại của ông Tám Ý sáng hẳn lên. Trong số 10 trò nghèo ông Tám Ý giúp, có người là con cháu họ hàng, có người chỉ là người dưng nước lã với ông. Nhưng với trái tim ấm áp và đôi mắt chỉ còn một bên, ông Tám lại phát hiện được nhiều mảnh đời khó khăn cần giúp đỡ.

Chúng tôi đã tìm gặp những nhân vật trò nghèo mà ông Tám Ý giúp. Trực tiếp nghe họ kể, tôi mới hiểu được tường tận hoàn cảnh khó khăn của mỗi người. Ông Tám Ý nghẹn ngào kể: “Tôi sâu đậm với chuyện học lắm. Có lần thấy một em nhỏ ôm tập đứng trước cửa lớp, tôi chạy lại hỏi, sao con không vô học. Cậu học trò trả lời rằng không có tiền đóng học phí nên bị đuổi ra. Tôi chịu không nổi, mới chạy đi lãnh tiền dừa, đem tiền đến nhà cháu nhỏ, kêu đóng học phí liền đi, chiều đi học lại”.

Hay chuyện của cậu học trò Bùi Minh Long, sinh năm 1979 may mắn gặp được ông Tám Ý năm đó, suýt nữa thì anh đã phải bỏ học theo ghe đi tỉnh Đồng Tháp làm mướn. Ông Tám Ý nhớ lại: “Tôi nghe người ta nói lâm râm, có cậu học trò nhỏ ngồi ôm tập khóc dưới gốc dừa. Tôi vô hỏi han thì biết, má của Long bắt Long nghỉ học. Bà xé tập sách của Long rồi bỏ hết. May cho tôi hết sức, là chiếc ghe đi Đồng Tháp còn thiếu 1 người nữa, nên ghe đậu lại tới bữa sau để kiếm thêm 1 người rồi mới đi. Tôi mới chạy đi lãnh tiền dừa. Tôi nhớ lúc đó lúa là 25 đồng 1 giạ, về tôi hỏi Hiếu (là em Long, Hiếu nhỏ nhưng sức vóc hơn hẳn Long):

“Nè Hiếu, năm nay con mần được chừng nhiêu lúa Hiếu?”. “Con giỏi lắm thì được chừng 20 giạ chứ gì cậu!” - Hiếu trả lời. Rồi ông Tám Ý đem 500 đồng bạc đưa cho mẹ Long. Ông Tám Ý nói: “Nè tôi đưa 20 giạ lúa của thằng Long nè, coi như nó đi làm lúa để chở gạo về ăn”.

Bùi Minh Long nhờ đó mới được đi học trở lại. Anh Bùi Minh Long kể: “Mẹ tôi đơn thân mà phải nuôi 3 con nhỏ. Mẹ đi làm lúa mướn trong Đồng Tháp. Hồi tôi mới học xong cấp 1, mẹ bắt nghỉ học đi theo mẹ vô Đồng Tháp làm mướn chứ ở nhà cũng không ai lo, không ai giữ tôi được”.

Được biết, hiện anh Long đang làm việc và giữ chức vụ tại một ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh. Anh Bùi Minh Long nói: “Tôi không có bà con gì với cậu Tám Ý. Nhờ được học tiếp, lớp 7 tôi đạt giải nhất học sinh giỏi toán của huyện Mỏ Cày (gồm huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam ngày nay). Lớp 9 thì đạt giải tư học sinh giỏi toán cấp huyện. Cậu Tám lo tôi lên tới đại học. Rồi cậu nhận tôi làm con nuôi nên tôi không tốn tiền đóng học phí đại học vì có chế độ con thương binh. Tôi đã học và tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Cho đến nay, đã nhiều năm trôi qua, cậu Tám Ý chưa bao giờ nhờ vả hay cần tôi đền đáp điều gì. Cậu Tám là người chỉ biết cho đi...”.

Kể về cái tình với những học trò nhỏ, ông Lê Văn Ý nói: “Tôi hết tình vì mấy cháu. Tụi nhỏ học đến cấp ba, tôi còn gần gũi được. Tụi nhỏ đi TP. Hồ Chí Minh hay TP. Cần Thơ học là tui lo lắm. Tôi cứ căn dặn hoài, mấy cháu có ráng cố gắng học hay là không? Vì nếu cha mẹ giữ được con, vợ giữ được chồng, anh giữ được em thì ở thành phố không có đi cai nghiện ngàn người này, đến ngàn người khác... Mấy cháu đều hứa với tôi, không bao giờ phụ lòng ông Tám và các cháu đã làm được”.

8 trò nghèo ông Tám đều mua cho 8 xe đạp đi học cấp ba. Rồi 8 người trò đầu đều đậu đại học. Sau có thêm 2 người trò nghèo nữa được giúp cũng xong đại học. “Hồi tôi còn ở cái chòi dưới mé sông, nếu tiền tôi mà để dành cất nhà, thì trong xóm này có thể cái nhà tôi là không thua ai. Nhưng hổng sao hết, tôi mà có số tiền nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không mua được một học trò giỏi như vậy”, ông Tám Ý nói.

“Ông Lê Văn Ý là người rất trung thực. Tuổi càng cao gương càng sáng. Ông Ý hỗ trợ cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Phú Mỹ bằng cách nhận làm con nuôi và hỗ trợ các em bằng tiền trợ cấp thương binh. Tiền trợ cấp hàng tháng ông nhận có khi ông không xài đồng nào mà để dành lo việc từ thiện, giúp đỡ cho nhiều người. Bây giờ đến xã Phú Mỹ mà hỏi ông Lê Văn Ý là ai cũng biết hết. Tấm gương ông Lê Văn Ý thắm đượm tình cảm chân chất với quê hương này”.

(Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc Cao Minh Trang)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN