Người thương binh nặng tình với quê hương (kỳ 2)

23/08/2024 - 05:28

BDK.VN - Tình cờ nhặt được một bức thư viết tay có đóng mộc đỏ, cầm lên đọc, tôi chả hiểu gì, vì người trong thư bày tỏ tấm lòng quý mến và trân trọng tài năng Lê Văn Ý (Trâu Ý). Gặng hỏi, tôi mới biết, cũng vì hết tình với trò nghèo, lo từ vật chất đến tinh thần cho các em yên tâm học hành - mà người thân trong gia đình ông Lê Văn Ý đã tạo sức ép khiến ông phải ra khỏi chính ngôi nhà và vườn nguyệt quế tâm huyết mà ông dựng nên.

Bức thư có mộc đỏ

Biết tôi là nhà báo, nói tới đâu, ông Tám Ý lại đem “chứng cứ” ra đến đó.

Nhà ông Tám đơn sơ, không có vật dụng gì đáng kể, giấy tờ được ông cất trong các thùng giấy (thùng mì tôm) để bệt dưới đất, chiếm trọn một góc nhà. Ông lục hết thùng này đến thùng khác kiếm “chứng cứ”, này là giấy khen ông Lê Văn Ý người có tác phẩm sáng tác bài ca cổ ca ngợi quê hương, kia là hình ảnh ông được tỉnh chọn đi Hà Nội dự họp mặt biểu dương người có công với cách mạng, nọ là cúp vàng cho nhân vật trong tác phẩm đạt Giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc... Cùng lục kiếm giấy tờ với ông, tôi bèn nhặt được một bức thư viết tay có đóng mộc đỏ, cầm lên đọc, tôi chả hiểu gì, vì người trong thư bày tỏ tấm lòng quý mến và trân trọng tài năng Lê Văn Ý (Trâu Ý).

Ông Tám Ý trồng cây nguyệt quế nở bông thơm (T.Thảo)

Nội dung bức thư có đóng mộc đỏ của Chi nhánh miền Nam “Tạp chí Việt Nam Hương Sắc” do ông Bùi Tiến Lợi - Trưởng đại diện phía Nam viết như sau: “TP. Hồ Chí Minh ngày 20-9 (năm 2004). Muôn vàn tình thương yêu và kính trọng gởi tới Bác Lê Văn Ý. Qua trao đổi với cháu Phạm Minh Tuấn - chúng tôi biết thêm được một số thiếu sót của bài viết “Một phụ nữ say mê sinh vật cảnh” của tác giả Hoài Phương đăng số Xuân 2004. Thay mặt Tòa soạn - chúng tôi xin chân thành tạ lỗi Bác, mong Bác thứ lỗi vì báo đã quá lâu nên chúng tôi không thể đính chính trên báo được...”.

Bức thư viết tiếp với những lời bày tỏ: “... Nhưng điều tòa soạn thu hoạch được là sự cảm nhận trước tấm lòng say mê sinh vật cảnh của Bác - đó là sự gửi gắm tâm hồn và một phần cuộc sống thật của Bác vào cây cảnh. Có thể nói: đối với Bác thì từ ngữ CÂY CẢNH - ĐỜI NGƯỜI là một chân lý, là một lẽ sống. Quý mến một tấm lòng, trân trọng một tài năng Lê Văn Ý (TRÂU Ý), tòa soạn báo Việt Nam Hương Sắc xin gửi tới Bác lời chúc sức khỏe và thành công hơn nữa trong công tác sinh vật cảnh”.

- Ủa bác Tám, “Trâu Ý” là sao bác Tám? - Tôi hỏi ông Lê Văn Ý.

Ông Tám Ý quay lại nhìn tôi đang cầm tờ giấy, ông cười nhẹ, chần chừ kể lại. Đại khái rằng, bài báo “Một phụ nữ say mê sinh vật cảnh” của tác giả Hoài Phương đăng trên tạp chí Việt Nam Hương Sắc viết về cây nguyệt quế của người phụ nữ ở Sa Đéc vừa bán được trên 1 tỷ đồng (thời điểm năm 2004, cách đây 20 năm). Bài báo cho rằng, người bán tại Bến Tre đã không biết giá trị của cây cảnh này... Khi ông Tám Ý đọc được bài báo đó, ông bèn viết một bức thư gửi cho tòa soạn tạp chí Việt Nam Hương Sắc. Trong thư, ông Lê Văn Ý có đề nghị tác giả cần tìm hiểu rõ ai là người làm ra cây nguyệt quế trị giá trên 1 tỷ đồng đó, người bán có phải là người trồng không... Bởi vì ông Lê Văn Ý là tác giả làm ra cây nguyệt quế đó. Người bán cây nguyệt quế với giá 50 triệu đồng không phải là người trồng. Dưới bức thư gửi cho tòa soạn, ông Lê Văn Ý ký tên “Trâu Ý”, ngụ ý ông nhận mình là một người ngu dốt, xin phép được bày tỏ tâm tư.

Cây nguyệt quế tiền tỷ

Ngôi nhà ven sông Hàm Luông là ngôi nhà thứ hai của ông Tám Ý. Còn ngôi nhà đầu tiên ông mua đất, cất lên để nuôi mẹ là ở nơi khác. Nguồn cơn về cây nguyệt quế tiền tỷ được ông Tám kể như sau:

- “Mấy anh tôi cứ bước đến nhà là nói, của này người dưng ăn. Vậy nên tôi mới giao nhà, giao đất để ra đi. Nếu sân kiểng mà còn là bây giờ trị giá nhiều tiền lắm. Tôi trồng sân kiểng đó năm 1955, bây giờ tới chết tôi cũng làm được một sân kiểng như vậy. Tôi có một bài thơ tả các cây kiểng tôi sửa trong sân đó như vầy: “Vạn sự như ý kính chào, mời vào nghỉ bước đổi trao giúp dùm/ Chung trà là bước trao tình, nhìn về phía trước ý mình là đây/ Muốn qua sông phải nối nhịp cầu, để xem kiểng phụng kiểng rồng trước sân/ Đất hiền bảy nhánh một thân, hỡi chim cánh cụt nhanh chân chạy về/ Công phùng voi phục chỉnh tề, trúc mẹ trường thọ để vỗ về đàn con”. Khách đến nhà, tôi giới thiệu cây bằng thơ, đọc tới đâu là ứng với mỗi cây ở đó. Nếu mà mấy anh tôi có tâm thì tôi bán cái sân kiểng này là lo được cho nhiều em lắm vì cái sân kiểng đó phải được 30 lượng vàng thời đó”.

Ông Tám Ý ngồi trong nhà kể chuyện ông đi bỏ đứt cái sân kiểng, thì ngoài trời cũng đổ mưa ào ào. Phải chăng mưa hiểu lòng người, mưa như muốn trút bớt nỗi niềm xót xa trong lòng người thương binh già. “Bác Tám có học sửa kiểng không?” - Tôi hỏi. Bác trả lời: “Không có”. Cây nguyệt quế ông Tám Ý sửa dáng đẹp lắm, ngày ông đi bỏ lại cái sân kiểng, thì một người phụ nữ tên Hà ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vô mua ngay cây nguyệt quế, anh ông Tám đã bán nó với giá 50 triệu đồng. Ông Tám nói: “Cái sân kiểng đó có giá trị, nhưng tôi cứ ôm giữ thì làm sao lo được cho các em. Sân kiểng đó không quý bằng các em nhỏ ham học, nên tôi thà bỏ nhà bỏ kiểng mà vẫn không thấy tiếc”. Ấy vậy, lòng ông Tám cũng dậy sóng ngày ra đi, ông Tám Ý chia tay vườn kiểng bằng bài thơ nói về 48 năm vun trồng bằng đời trai trẻ của ông: “... Nguyệt ơi, quế hỡi anh buồn lắm.../ Em về chỗ mới thật là sang/ Em chào vĩnh biệt cảnh nghèo.../Chia ly cất bước thấy ngập ngừng/ Đôi mi nghe lệ đượm rưng rưng...”.   

Ngày cây nguyệt quế được đưa xuống ghe ở Cái Mơn đi Đồng Tháp, có người bạn ông Tám Ý đi ngang thấy, biết đây là kiểng của ông Tám, bèn hỏi người phụ nữ tên Hà: “Làm sao chị mua được cây này?”. “Thật tôi không thể nào mua được, tôi theo nó nay trên 10 năm, nhưng anh của ông Tám Ý hét la ổng quá nên ổng ra đi, tôi mới mua được cây này” - người phụ nữ trả lời. Cuối cùng người phụ nữ đó bán cây nguyệt quế  với giá 1 tỷ đồng (khoảng năm 2004), ông Tám Ý vẫn dõi theo cây bán về đâu, thì biết người đó tiếp tục bán cây được 1,3 tỷ đồng, rồi từ đó cây biệt tin.

Để yên ổn lo trò nghèo

Tôi thắc mắc về hình dáng và lai lịch cây nguyệt quế đó thế nào, mà sao được nhiều người ưa chuộng quá. Thì ra, năm 1954, người thiếu niên Lê Văn Ý đi chèo ghe mướn cho người ta, ông chở kiểng đi qua Tiền Giang bán, buổi chợ ế nên ông Tám nói với người chủ ghe để số cây nguyệt quế cho ông trừ vào tiền công, vì ông muốn trồng có bông thơm. Ông Tám trồng cây nguyệt quế gần mộ người cha quá cố. Cây mau lớn hơn những cây khác trồng cùng một lượt. Khi bị thương nặng vào năm 1966, ông Tám trở về cuộc sống hàng ngày, ông mới bứng cây đó đem về sửa. “Đường nghệ thuật xa dư tầm mắt”, ông Tám Ý đã dám phá thế để sửa cây nguyệt quế đường kính “1 mét 3 phân hoành”, điều mà ít ai trong nghề sửa kiểng dám làm, vì không khéo cây sẽ chết.

Không nhiều người biết câu chuyện này, cũng vì hết tình với trò nghèo, lo từ vật chất đến tinh thần cho các em yên tâm học hành mà ông Lê Văn Ý tình nguyện đồng ý giao lại căn nhà ông mua đất, dựng nên, trong đó còn cái sân kiểng quý giá. Ngày đi, tới đôi đũa ông Tám cũng không mang theo. Tôi biết được điều này là nhờ lần thăm ông gần nhất vào tháng 8-2024, tôi lại tò mò lượm được tờ giấy đã xỉn màu ghi là: Tờ ký gửi về đất, nhà, đồ xài trong nhà, kiểng của ông Lê Văn Ý, được ông giao lại cho bề trên, giao hết kể cả một chiếc đũa nhỏ cũng không mang theo. Khi Ý chết, đất, nhà, đồ xài và kiểng xin để lại cho anh L.V.T (người viết xin được giấu tên) và con trai anh quyết định... Tờ giấy do ông Lê Văn Ý viết tay, ghi ngày 20-5-1991.

Ông Lê Văn Ý đã bỏ lại ngôi nhà và mảnh đất có vườn nguyệt quế để được yên ổn lo cho 10 trò nghèo, không có máu mủ với ông. Ông Tám Ý một thân một mình ra bến đò Cây Sắn dựng căn chòi ở che mưa nắng. UBND xã Phú Mỹ 3 lần đến cấp nhà tình nghĩa, ông Tám đều từ chối. Ông nói bản thân ông chỉ có một mình, nên hãy lo cho những người thương binh có gia đình trước, họ cần nhà hơn ông. Công chức ở xã thuyết phục mãi, ông Tám mới nhận căn nhà tình nghĩa, đó là căn nhà hiện ông đang ở.

Cho đến giờ, ông Tám Ý vẫn vui vẻ mãn nguyện với quyết định giao lại đất, nhà và sân kiểng của mình.

Chuyện ông Lê Văn Ý rời bỏ ngôi nhà và sân kiểng của mình để lo cho trò nghèo có người lớn tuổi biết. Đó là ông Phạm Bình Tỉnh, 82 tuổi, bí danh là Việt Hương, hiện ngụ xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách (xã Phú Mỹ và xã Phú Sơn trước đây là một, sau này mới tách ra). Ông Hai Việt Hương từng làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn từ năm 1972 -1976, ông Hai kể: “Cuộc đời ông Lê Văn Ý là tốt đẹp, ông ấy hiền lắm. Ổng thiệt là có làm việc tốt nuôi học trò nghèo. Tôi biết việc ông Ý từ bỏ ngôi nhà và sân kiểng của mình, giao lại cho người anh, rồi ông ấy ra đi mình không”.  

Bài, ảnh: Thạch Thảo

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN