Nhật Bản hoãn thu hồi mảnh vỡ nhiễm phóng xạ tại nhà máy Fukushima số 1

23/08/2024 - 07:59

Hãng thông tấn Kyodo ngày 22-8-2024 đưa tin, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, thông báo đã phải tạm dừng hoạt động thử nghiệm thu hồi mảnh vỡ chứa thanh nhiên liệu nóng chảy từ một trong 3 lò phản ứng của nhà máy này.

Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Hôm 19-8-2024, TEPCO thông báo sẽ triển khai kế hoạch trên vào ngày 22-8-2024. Tuy nhiên, tại buổi họp báo vào chiều 22-8-2024, một quan chức của TEPCO cho biết đã phát hiện lỗi trong quá trình lắp đặt đường ống phục vụ việc thu hồi mảnh vỡ, buộc công ty phải tạm dừng nỗ lực đầu tiên nói trên.

Theo kế hoạch, TEPCO kết nối 5 đường ống, đánh số từ 1 đến 5 lên mỗi đường ống dài 1,5 mét. Các đường ống này có nhiệm vụ đẩy thiết bị thu hồi mảnh vỡ chứa thanh nhiên liệu nóng chảy vào bể chứa của lò phản ứng số 2 để thu thập mảnh vỡ. Tuy nhiên, thứ tự nói trên đã bị đặt nhầm.

TEPCO chưa thông báo thời điểm cụ thể có thể nối lại hoạt động này.

Ngày 16-8-2024 vừa qua, Cơ quan Quản lý Hạt nhân của Nhật Bản (NRA) đã phê duyệt việc sử dụng thiết bị thu hồi mảnh vỡ chứa phóng xạ nói trên, cũng như kế hoạch bắt đầu thử nghiệm thu hồi.

Theo kế hoạch được phê duyệt, TEPCO sẽ chỉ thu hồi tối đa 3 gram mảnh vỡ từ lò phản ứng số 2 trong khoảng 2 tuần. Trong khi đó, các phương pháp thu hồi tất cả những mảnh vỡ chứa nhiên liệu nóng chảy còn lại ở lò phản ứng số 2 và số 3 chưa được quyết định. Ước tính có khoảng 880 tấn mảnh vỡ chứa nhiên liệu nóng chảy trong cả ba lò phản ứng nói trên.

Việc thu hồi và loại bỏ các mảnh vỡ nhiễm phóng xạ được coi là một trong những công đoạn khó khăn nhất trong quá trình đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi mà các lò phản ứng đã bị hư hại nghiêm trọng sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 ở Đông Bắc Nhật Bản.

TEPCO đã 3 lần hoãn kế hoạch thu hồi các mảnh vỡ do đại dịch COVID-19 và các vấn đề về kỹ thuật.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN