Người thương binh nặng tình với quê hương (kỳ 3)

28/08/2024 - 05:23

BDK.VN - Người thương binh già dí dỏm nhận mình là “dốt đặc” vì ông chỉ được học tới lớp Tứ thời Pháp (lớp 2 ngày nay). Nhẩm tính sổ đời, ông Lê Văn Ý mãn nguyện vì các cháu ông giúp đều học giỏi, tựa như ông được trúng vé số. Trong đó, có “hạt mầm tiến sĩ” là anh Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1987. Hiện anh Tài là Tiến sĩ cơ khí, Trưởng phòng thí nghiệm Cơ học và Khoa học Vật Liệu, Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Bách Khoa, Đại học Cần Thơ.

Anh Nguyễn Văn Tài (thứ hai, trừ trái qua) nhận bằng Tiến sĩ tại Đài Loan. Ảnh: CTV

“Hạt mầm tiến sĩ”

Tôi say sưa nghe ông kể về các học trò giỏi mà ông giúp đỡ, rồi tôi bèn xin ông Lê Văn Ý (Tám Ý) số điện thoại của một vài anh chị để mình gọi phỏng vấn, nhất là số của anh Nguyễn Văn Tài - hiện là Tiến sĩ, nhưng tìm mãi không có. “Các cháu học xong, đi làm, tui không hỏi gì hết. Chỉ muốn biết cháu có việc làm chưa, nói có - vậy là thôi - tui không hỏi gì thêm, vì hỏi thành ra mình tò mò, tui cũng không nhận cái gì của đứa nào hết trơn á”, ông Tám Ý nói.

Tôi phải vận dụng sự quen biết với mấy anh chị trong Hội đồng hương Bến Tre tại Thành phố Cần Thơ để tìm cách liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài. Nhiều ngày sau, tôi mới có được một cuộc gọi phỏng vấn anh Tài. Mẹ anh Nguyễn Văn Tài gọi ông Tám Ý là cậu, ngày anh đậu đại học, mẹ anh không có tiền cho anh đi học. Tới gặp ông Tám, mẹ anh khóc báo tin Tài đậu đại học. “Trời ơi, cháu nó đậu đại học thì phải mừng chứ sao lại khóc?” - ông Tám hỏi. “Cậu Tám ơi, giờ trong túi con không có được 200 ngàn đồng nữa, thì sao cho Tài đi học đại học được” - Mẹ anh Tài nói. Ông Tám Ý an ủi mẹ anh Tài, kêu để ông phụ lo. Rồi ông Tám giúp đỡ, anh Tài được đi học, cần máy tính ông sắm máy tính cho.

Trước ngưỡng cửa đi làm, anh Nguyễn Văn Tài về hỏi ý ông Tám. Ông Tám bảo phải đi học thạc sĩ tiếp để tiếp thu thêm kiến thức và giúp ích được cho nhiều thế hệ học trò khác. Anh Tài vâng lời ông Tám, anh đã lấy bằng Thạc sĩ tại Đài Loan năm 2016, sau đó lấy bằng Tiến sĩ ngành kỹ thuật cơ khí năm 2020, khi đó anh mới 33 tuổi.

Anh Nguyễn Văn Tài nói: “Lời khuyên của ông Tám bổ ích cho cuộc đời tôi, bởi việc học thêm giúp mình có kiến thức, có chuyên môn, mình ra xã hội cũng có uy tín và giúp ích được nhiều hơn. Tôi luôn ghi nhớ công ơn của ông Tám. Việc ông giúp đỡ nhiều người là việc làm cao đẹp. Tôi cũng đi theo con đường của ông Tám, miễn giúp đỡ được ai là tôi sẵn lòng giúp...”. 

 Ông lái đò trong xóm nhỏ

Bến đò Cây Sắn một bên là xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, bên kia là xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Xóm nhỏ ven sông Hàm Luông này thuộc ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ. Nơi đây thưa thớt chỉ vài ba ngôi nhà, còn lại là xanh um những vườn cây dừa, vú sữa và măng cụt.

Nhà của thương binh Lê Văn Ý lọt thỏm bên trong con đê bằng đất cao ráo, kế bên bến đò. Tôi không thể cho xe vào sân nhà ông Tám Ý vì sân đất trơn trợt lắm, dắt xe vào sợ té khi trên người đang mang vác mớ máy móc. Thế nên, tôi mới đậu xe ở mé sông, ngay gốc dừa mát rượi.

Trò chuyện càng lâu, mưa càng lớn, tôi chạy ra ngó chiếc xe, thì thấy sông Hàm Luông mưa trắng trời. Nhìn dòng Hàm Luông mênh mông sóng nhào, dạ tôi cuộn lên nỗi xót xa. Bởi, mấy chục năm trước, hồi những năm ông Tám cất chòi ở mé sông này, ông già cụt tay, cụt chân làm luôn nghề chèo đò đưa học trò qua sông. “Ông Tám chèo đò đưa học trò có lấy tiền không?” - tôi hỏi. Ông Tám cười lớn, trả lời: “Tôi còn hỏi tụi nhỏ ăn sáng chưa, còn móc tiền ra cho, mà lấy tiền đò gì cô! Đò chèo tay là của chủ, chủ vắng không kịp ra, sợ tụi nhỏ trễ học, tôi phóng xuống, đưa dùm...”.

Dưới gốc dừa, ngay bến đò Cây Sắn có gắn bảng ghi số điện thoại chủ đò. Tôi gọi theo số đó, thì gặp anh Võ Văn Thiện (còn gọi Tám Thiện), 59 tuổi. Nhà anh Thiện bên kia sông Hàm Luông, anh hiện ngụ xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Anh Võ Văn Thiện kể: “Hơn 20 năm trước, tôi làm nghề đưa đò trên khúc sông Hàm Luông này, bị người ta đuổi lên đuổi xuống hoài. Ông Lê Văn Ý hay lắm, ổng đi qua lại để ý thấy biết, nên gọi tôi lại, cho tôi đưa đò Cây Sắn ngay nhà ông Tám. Rồi ông ra xã làm luôn giấy công chứng, cho đất để tôi mở bến đò, đất chiều dài 12 mét ra tới mé sông. Nhờ được yên ổn đưa đò, tôi nuôi 2 con trai ăn học đàng hoàng. Các cháu đều tốt nghiệp cao đẳng, hiện đứa lớn 34 tuổi, đứa nhỏ 30 tuổi, thu nhập và cuộc sống ổn định. Khi tôi làm nhà chờ, xây bờ kè ở bến đò Cây Sắn, ông Tám Ý còn lấy ra 7 - 8 triệu đồng đưa tôi, nói là cho ông phụ tiền làm bờ kè. Tôi mới nói, ông tốt với con như vậy, sao mà con lấy tiền ông được!”.

Ông Tám Ý không chỉ giúp đỡ trò nghèo, mà hàng xóm của ông cũng được ông hết lòng giúp. Anh Võ Văn Thiện, chủ bến đò Cây Sắn, hiện ngụ xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành cho hay: “Tôi thường xuyên qua lại trò chuyện với các em học trò được ông Tám giúp đỡ. Các em đó rất thương ông Tám Ý, nhưng ông không bao giờ nhận quà cáp gì từ các em đó. Kể cả tôi nữa, Tết nhất đem quà tới ông cũng đều từ chối. Cuộc đời tôi lăn lộn khắp nơi mưu sinh, trong đó, có những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Campuchia... Nay 59 tuổi đời, tôi chưa thấy ai tốt bụng như ông Lê Văn Ý, trong lòng tôi ông Tám là một “Ông Bụt””.

Thạch Thảo

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN