Những điều cần biết về bệnh đái tháo đường

04/12/2020 - 06:57

Kiểm tra các yếu tố nguy cơ để tầm soát sớm bệnh đái tháo đường. Ảnh: Ph.Hân

Kiểm tra các yếu tố nguy cơ để tầm soát sớm bệnh đái tháo đường. Ảnh: Ph.Hân

Những điều cần biết

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là bệnh tiểu đường là tình trạng lượng đường vượt quá tỷ lệ cho phép trong máu. Khi đó, một lượng đường sẽ không chuyển hóa thành nguồn năng lượng cho cơ thể và bị dư thừa trong máu gây rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Bệnh chủ yếu do tuyến tụy sản xuất thiếu hoóc-môn insulin hoặc hoóc-môn này bị giảm khả năng tác động trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu luôn ở mức cao.

Bệnh ĐTĐ có 3 type. Cụ thể, type 1 là người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. ĐTĐ type 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh. ĐTĐ type 2 là những người bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90 - 95% người bị ĐTĐ trên thế giới là type 2. Cuối cùng là ĐTĐ thai kỳ - được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó).

Một số người ĐTĐ type 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được. Biểu hiện như đi tiểu thường xuyên; biểu hiện khát nước, khiến bệnh nhân uống nước liên tục; rất đói ngay cả khi đang ăn. Điều này được hiểu là do cơ thể không thể sử dụng đường để tạo năng lượng, nên người bệnh sẽ có cảm giác nhanh đói, kích thích ăn nhiều. Kèm theo đó là biểu hiện giảm cân ngay cả khi đang ăn nhiều hơn. Ngoài ra, người bệnh còn có những biểu hiện, như: mệt mỏi nhiều, khô miệng, buồn nôn, mờ mắt, chậm lành vết loét, ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (ĐTĐ type 2)…

Biến chứng của bệnh

Các biến chứng có thể xảy ra đối với người bệnh ĐTĐ là: bệnh tim mạch; tổn thương thần kinh, thận, mắt; khả năng mắt bệnh Alzheimer (bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi) cao.

Đối với người mẹ mang thai có thể mắc chứng bệnh tiền sản giật, với các biểu hiện, như: huyết áp cao, dư protein trong nước tiểu, sưng chân. Không chỉ vậy, thai phụ còn có nguy cơ mắc bệnh lý này trong lần mang thai tiếp theo. Khi về già có thể phát triển thành bệnh ĐTĐ và điển hình là ĐTĐ type 2. Thai nhi có thể phát triển nhanh hơn so với tuổi, có nguy cơ bị ĐTĐ type 2 trong tương lai. Nếu mẹ bầu không điều trị, trẻ có thể bị tử vong trước hoặc sau khi sinh.

Bệnh nhân mắc ĐTĐ type 1, cơ thể không tự sản xuất insulin. Vì vậy, người bệnh cần dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại. Nếu bị ĐTĐ type 2, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thường xuyên; có thể sử dụng thuốc uống hoặc tiêm insulin, metformin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Để bệnh không tiến triển nặng hơn, người bệnh nên ăn nhiều những thực phẩm có hàm lượng đường thấp, ăn nhiều rau xanh, chia nhỏ bữa ăn, tập thể dục thường xuyên. Khi bị bệnh ĐTĐ, người bệnh nên hạn chế ăn những thực phẩm: thịt đỏ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà; các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt có gas, sữa, rượu bia và đồ uống có cồn; cơm, bún, phở…

Phòng ngừa bệnh ĐTĐ

Bệnh ĐTĐ có thể không được ngăn ngừa trong mọi trường hợp. Bệnh ĐTĐ type 1 không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, có thể giảm cơ hội phát triển bệnh ĐTĐ type 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và duy trì hoạt động. Điều quan trọng cần tầm soát ĐTĐ trên các đối tượng có nguy cơ (người lớn có BMI ≥ 23 kg/m2, hoặc cân nặng lớn hơn 120% cân nặng lý tưởng và có một hoặc nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ: ít vận động thể lực; gia đình có người bị ĐTĐ ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột); tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp); vùng bụng to; phụ nữ bị buồng trứng đa nang, mắc ĐTĐ thai kỳ; tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch…).

 Hiện nay, người mắc bệnh ĐTĐ có nguy cơ trẻ hóa; bệnh nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng. Việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có thể kiểm soát bệnh ở mức tối ưu. Mọi người cần sàng lọc ĐTĐ, rối loạn mỡ máu, nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền ĐTĐ, phân loại chính xác type tiểu đường. Đồng thời, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra. Khi được chẩn đoán bệnh ĐTĐ, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh để tránh lượng đường huyết tăng cao.

Bác sĩ Dương Ngọc Loan Thy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN