Những hành vi tham nhũng được bổ sung trong Luật Phòng, chống tham nhũng

06/10/2009 - 08:39

Tại Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng (ngày 29 tháng 11 năm 2005) quy định 12 hành vi tham nhũng, bao gồm:

1. Tham ô tài sản.

2. Nhận hối lộ.

3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.

8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Như vậy, so với những hành vi tham nhũng tại Pháp lệnh Chống tham nhũng và các tội phạm về tham nhũng trong Bộ Luật Hình sự năm 1999 thì Luật Phòng, chống tham nhũng có bổ sung thêm năm hành vi tham nhũng mới (từ khoản 8 đến khoản 12). Việc quy định thêm năm loại hành vi mới này là cần thiết và là cơ sở pháp lý để đấu tranh với những biểu hiện ngày càng phức tạp của tham nhũng:

*  Hành vi quy định tại khoản 8 bao gồm:

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận cơ chế, chính sách có lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được ưu tiên trong việc cấp ngân sách cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được giao, phê duyệt dự án cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước đối với tập thể và cá nhân, cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được cấp, duyệt các chỉ tiêu về tổ chức, biên chế Nhà nước cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán hoặc để làm sai lệch kết quả kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán nhằm che dấu hành vi vi phạm pháp luật;

Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận các khoản lợi ích khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

* Hành vi quy định tại khoản 9 bao gồm:

Sử dụng tài sản của Nhà nước vào việc riêng;

Cho thuê tài sản của Nhà nước, cho mượn tài sản của Nhà nước;

Sử dụng tài sản của Nhà nước vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

* Hành vi quy định tại khoản 10 là: Hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc công dân, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân khác phải nộp những khoản chi phí ngoài quy định hoặc phải thực hiện hành vi khác vì lợi ích của người thực hiện hành vi nhũng nhiễu.

* Hành vi quy định tại khoản 11 là: Hành vi cố ý không thực hiện trách nhiệm mà pháp luật quy định cho mình trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời hạn nhiệm vụ, công vụ của mình vì vụ lợi.

* Hành vi quy định tại khoản 12 bao gồm:

Sử dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để che giấu hoặc giúp giảm nhẹ hành vi vi phạm pháp luật của người khác;

Sử dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để gây khó khăn cho việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc làm sai lệch kết quả các hoạt động trên.

Theo quy định của pháp luật, không phải mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý về hình sự mà chỉ những hành vi hội đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định trong Bộ Luật Hình sự thì mới được xác định là tội phạm và bị xử lý bằng biện pháp hình sự (các hành vi được quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng), còn những hành vi khác (từ khoản 8 đến khoản 12 Luật Phòng, chống tham nhũng) được xác định là hành vi tham nhũng nhưng chưa cấu thành tội phạm thì được xử lý bằng biện pháp kỷ luật.

H. Vọng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN