Anh Phạm Văn Thành nay đã 69 tuổi vẫn tất bật với công việc xây dựng quê hương Khánh Thạnh Tân ngày càng giàu đẹp.
Còn sức khỏe là còn cống hiến
Đi bộ đội năm 1967, đến năm 1979, người lính tên Phạm Văn Thành, sinh năm 1949, ngụ xã Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày Bắc đành trở về quê sau hơn 10 năm trong quân ngũ vì cha hy sinh, mẹ bệnh nằm liệt. Anh Thành tiếp tục công tác tại xã Khánh Thạnh Tân và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã, quyền Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã. Hiện anh Phạm Văn Thành, thương binh 4/4, là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã.
Chỉ cho chúng tôi vết thương ở trên mặt và chân, anh Thành kể, anh và vợ đều là thương binh, khi trở về quê nhà, ruộng vườn nhà anh chỉ toàn hố bom, hố pháo nước ngập tới ngực với rừng cây hoang. Trước hoàn cảnh khó khăn của anh, đơn vị Lữ đoàn 316, nơi anh từng công tác hỗ trợ tole, bộ cột cất nhà nhưng anh không nhận. anh Thành nói: “Tôi không nhận vì ở đơn vị còn nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nên tôi nhường lại cho những anh em đó. Bên vợ tôi (ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho vợ chồng tôi 1.300m2 đất nhưng tôi cũng không lấy vì thấy mình còn sức khỏe để lao động”.
Thực hiện lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, từ nhận thức đó, anh Thành tự vươn lên, nỗ lực sản xuất thoát khỏi nghèo đói. Vừa công tác vừa đi học, anh Thành tranh thủ phát quang, lấp hố, những đêm trăng sáng thì tranh thủ cuốc đất, xuống hạt giống trồng dưa, cà. Rồi nuôi hai con heo, con bò, bán heo, bò đổi lấy bàn, ghế trong nhà. Anh mạnh dạn cải tạo 9.000m2 đất hoang hóa để trồng xen canh 1 vụ lúa 2 vụ màu, sau trồng dừa và cỏ nuôi bò. Anh Thành đã cất được ngôi nhà kiên cố, nuôi dạy 3 con ăn học, thu nhập gia đình bình quân 130 triệu đồng/năm.
Trong quá trình công tác, anh Thành vận động nhiều mạnh thường quân xây dựng nhà tình nghĩa, làm lộ nông thôn, xây 2 cầu bê-tông, thực hiện mô hình “5+1” giúp hội viên Hội Cựu chiến binh mượn vốn để làm ăn, nhờ đó 14 hội viên đã thoát nghèo, 2 hội viên thoát cận nghèo. Anh Phạm Văn Thành tâm sự: “Nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống, tới những người dân vùng cù lao Dung, Sóc Trăng đùm bọc bộ đội trong gian khổ, các chị ở Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh dù biết đi báo tin cho bộ đội là chết mà vẫn không sợ, tôi thấy mình giờ hạnh phúc lắm rồi; tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho quê hương Khánh Thạnh Tân…”.
Vượt lên thương tật
Chàng trai 21 tuổi Võ Ngọc Tâm bị thương ở chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979, mảnh pháo ghim vào đầu khiến anh hôn mê hơn 1 năm. Được y tá trong quân đội chăm sóc chu đáo, anh hồi tỉnh nhưng liệt một bên người, đi đứng, nói năng đều rất khó khăn.
Anh Võ Ngọc Tâm là thương binh 1/4 quyết vượt lên chính mình.
Đi bộ đội năm 1977, anh Võ Ngọc Tâm kể: “Đó là một chiến trường khốc liệt, mặt đối mặt với quân Pôn Pốt. Chúng giết người rất dã man, xẻo thịt, xẻ đôi người, chúng tôi đã chiến đấu trong những trận đánh mà máu chảy ngập qua khỏi giày với vô vàn xác chết. Cũng vì lẽ đó, tôi không thể bỏ người dân mà quyết chiến 3 năm ròng bám chiến trường cho đến khi bị thương”. Hơn 1 năm hôn mê, anh Tâm tỉnh dậy lưng lở lói hết, anh nói, y tá trong quân đội chỉ mới 19, 20 tuổi nhưng họ tốt lắm, chăm sóc bộ đội như người thân đến từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa… nhờ vậy anh mới sống.
Trở về từ một chiến trường như thế, anh Võ Ngọc Tâm, ngụ Phường 4, TP. Bến Tre, thương binh 1/4, tỷ lệ thương tật 81%, không còn ngại chi khó khăn. Trong tay không có một đồng vốn, không đi đứng, nói năng được nhiều nhưng nhờ phẩm chất người lính giàu nghị lực, anh được tin tưởng cho đi giao hàng ngoài tỉnh. Thấy anh hiền lành, cô gái Đà Nẵng ưng anh làm chồng, sính lễ chỉ có xấp vải may đồ. Gần chục năm ròng làm thuê, anh Tâm có vốn bán tạp hóa. Hơn 20 năm sau, anh dành dụm mua thêm được 3 công đất trồng bưởi, cam, dừa. anh Võ Ngọc Tâm cười tươi: “Cũng nhờ ham lao động, không chịu khuất phục thương tật, đói nghèo mà sức khỏe tôi dần hồi phục. Tôi lao động mệt nên thèm ăn, ngủ ngon giấc, đi đứng, nói chuyện cũng dễ nghe hơn. Vườn cây của tôi đang phát triển rất tốt, đất không bao giờ phụ công người…”.
Nghị lực vươn lên của anh Phạm Văn Thành, Võ Ngọc Tâm thật đáng để thế hệ trẻ noi theo. thế hệ hôm nay mãi tri ân công lao của các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngày 19-7-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bến Tre là 1 trong 23 tỉnh, thành được cử 6 đại biểu tham dự, trong đó có anh Phạm Văn Thành, Võ Ngọc Tâm; các tỉnh, thành còn lại mỗi tỉnh, thành cử 3 đại biểu tham dự. |
Bài, ảnh: T. Thảo