Ông Bảy Phước bên vườn bưởi da xanh sản xuất theo hướng hữu cơ.
Trước đây, gia đình ông Bảy Phước có 1,5ha đất, chủ yếu trồng chuyên canh dừa, năng suất không cao, lợi nhuận mỗi năm chỉ hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy, bưởi da xanh (BDX) là cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên ông mạnh dạn chuyển đổi. Đầu năm 2013, ông trồng BDX xen vườn dừa, với diện tích hơn 8.000m2.
Vườn bưởi của ông cây xanh tươi, xung quanh mỗi gốc là những lớp phân hữu cơ vừa được bón theo chu kỳ mỗi tháng. Để có nguồn phân hữu cơ, ông tận dụng phân bò chăn nuôi tại nhà hoặc mua để xử lý theo hướng dẫn của nhà khoa học. Ông cho biết: “Phân hữu cơ bón cho cây trồng không được hấp thụ ngay mà theo thời gian thấm dần và cung cấp chất dinh dưỡng bền vững cho cây trồng. Khi cây cho trái, phải sử dụng túi lưới để bao trái, nhằm tránh sự tấn công của sâu hại. Đậy kín gốc cây bằng những tàu dừa sau khi bón phân để tránh vật nuôi phá hoại”. Sau đợt hạn mặn, nhiều nhà vườn thất thu nhưng ông vừa thu hoạch mấy trăm ký bưởi, bán với giá từ 30 - 40 ngàn đồng/kg.
Ông Bảy Phước đã vận động 35 hội viên vào Tổ hợp tác Phước Trung (thuộc HTX nông nghiệp Tân Trung) với hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hơn 20ha. Bản thân ông làm tổ trưởng để hướng dẫn nông dân sản xuất. Đầu ra sản phẩm được Doanh nghiệp tư nhân Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc) bao tiêu với giá ổn định.
Ông Bảy Phước tiên phong tìm hiểu sâu hơn phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Ông quyết định trồng thử nghiệm 6.000m2 theo hướng canh tác hữu cơ. Ban đầu cây khựng lại hơn 1 tháng, sau đó bắt đầu xanh tốt và cho hiệu quả cao.
Đầu năm 2020, nhóm sản xuất BDX Hồng Phước và nhóm sản xuất BDX Trường Tiến ra đời, gồm 11 hộ dân tham gia, với tổng diện tích 5ha, chuyên sản xuất BDX theo hướng hữu cơ (GPS). Ông Bảy Phước làm trưởng nhóm sản xuất BDX Hồng Phước. “Lúc đầu có người đồng tình nhưng cũng có người không chịu vì sợ không đạt năng suất. Qua vận động, giải thích, người dân thấy áp dụng cách làm này cho sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường nên đã tham gia” - ông Bảy Phước chia sẻ.
Sau 8 tháng thí điểm, mô hình đã có tín hiệu tích cực. Cây BDX phát triển tốt và người trồng đỡ tốn công chăm sóc. Trước kia, để canh tác hiệu quả, người trồng sử dụng nhiều phân thuốc hóa học, ảnh hưởng sức khỏe, rễ cây không hấp thụ được hết chất dinh dưỡng, lại còn làm cho đất trồng bị chai.
Hiện tại, hàng tháng, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sẽ thu mua vào ngày 15 và 27 (âm lịch) với khoảng 2,5 tấn bưởi thương phẩm. Dự tính mỗi năm 2 nhóm trồng BDX theo hướng hữu cơ sẽ cung ứng cho doanh nghiệp khoảng 30 tấn trái.
Với những cống hiến của mình, ông Bảy Phước đã được các cấp chính quyền và đoàn thể ghi nhận, khen thưởng như: bằng khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện, Hội Nông dân huyện…
Bà Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung cho biết: “Qua nhiều năm công tác, ông Bảy Phước luôn nhiệt tình trong hoạt động chi hội, gương mẫu trong công việc và luôn cần cù trong lao động sản xuất. Ông là tấm gương nông dân sản xuất giỏi để mọi người học hỏi, noi theo”.
Bài, ảnh: Lê Đệ