Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập

10/06/2023 - 11:18

BDK.VN - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", sáng 10-6-2023, tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Hội Khuyến học Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức lễ phát động trực tuyến phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập (XHHT), đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” với 63 tỉnh, thành phố.

Phó chủ tịch UBND tinh Nguyễn Thị Bé Mười tham dự  tại điểm cầu tỉnh

Phó chủ tịch UBND tinh Nguyễn Thị Bé Mười tham dự tại điểm cầu tỉnh. 

Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo lễ phát động. Tại điểm cầu tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, Phòng GD&ĐT 9 huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tham dự.

Phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu của mỗi người trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, suốt đời để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu. Phong trào thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh học tập suốt đời là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động xây dựng XHHT, thúc đẩy việc học tập suốt đời của mọi công dân.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, mọi người tích cực tham gia, cùng chung tay, đóng góp hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, học tập suốt đời. Từ đó góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về GD&ĐT, khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, từng người dân về vai trò xây dựng XHHT, học tập suốt đời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập

Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng XHHT, học tập suốt đời theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức phù hợp với từng đối tượng, địa phương thông qua các mô hình mới, cách làm hay. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập suốt đời, hỗ trợ cho người yếu thế, người hết tuổi lao động, nội trợ,... Huy động đa dạng hóa nguồn lực, khuyến khích phát triển bình đẳng các loại hình đào tạo, không phân biệt công lập với ngoài công lập để phát triển ngành giáo dục.

Củng cố hệ thống thư viện, nhà bảo tàng, nhà văn hóa, phát triển trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giáo dục thường xuyên,...; khuyến khích văn hóa đọc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Đảm bảo hạ tầng, xóa nơi thiếu điện, thiếu sóng, công nghệ viễn thông, tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận internet và các thành tựu công nghệ mới. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển, xây dựng XHHT.

Khen thưởng kịp thời cá nhân, tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả, lan tỏa tấm gương sáng trong học tập đến cộng đồng, xã hội. Tăng cường tuyên truyền phòng trào, cá nhân tiên tiến, tiêu biểu nhằm lan tỏa trong xã hội, khích lệ tinh thần nhà nhà, người người, thôn bản, xã hội, huyện, tỉnh và cả nước học tập góp phần chấn hứng nền văn hóa của dân tộc.

Sau lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, UBND TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ có bài phát biểu hưởng ứng và cam kết thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030 tại đơn vị, địa phương.

Sau lễ phát động, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai phong trào thi đua sâu, rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng phòng trào. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN