MTTQ Việt Nam các cấp thi đua “Đồng khởi mới”, bài 3

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

15/03/2024 - 05:41

BDK - Giám sát và phản biện xã hội (GS, PBXH) là vai trò của MTTQ Việt Nam. Thông qua hoạt động GS, PBXH nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời phát hiện những hạn chế, tồn tại để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Hội đồng phản biện của tỉnh tiến hành phản biện một số dự án trên địa bàn TP. Bến Tre.

Hội đồng phản biện của tỉnh tiến hành phản biện một số dự án trên địa bàn TP. Bến Tre.

Những đơn vị điển hình

Là địa phương có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác GS, PBXH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Định (Mỏ Cày Nam) Lê Thị Hà cho biết: Năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện GS theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “Về việc ban hành Quy chế GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, 4 cuộc về công tác hòa giải, GS công tác giảm nghèo, việc thực hiện chính sách hội cựu thanh niên xung phong; GS việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư; tổ chức PBXH 1 cuộc về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND xã năm 2023.

“Công tác GS, PBXH thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về GS, PBXH được nâng lên. Nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và dư luận xã hội quan tâm”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Định Lê Thị Hà chia sẻ. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tường Đa (Châu Thành) Hồ Lê Thắng cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam xã luôn chủ động xây dựng kế hoạch GS, PBXH ngay từ đầu năm. Năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 8 cuộc GS. Hoạt động GS của MTTQ và Ban thanh tra nhân dân xã có bước chuyển biến đáng kể, nhất là phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức GS các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Hoạt động PBXH được quan tâm, tổ chức phản biện nhiều cuộc về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công trình công cộng trên địa bàn.

“Thông qua các cuộc GS của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát hiện một số nội dung có liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách với người có công, vấn đề ô nhiễm môi trường... Qua đó đã kiến nghị tới cơ quan nhà nước kịp thời giải quyết”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tường Đa Hồ Lê Thắng nhận định.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng, công tác GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nội dung GS gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Nhân rộng điển hình

Để thực hiện tốt công tác GS, PBXH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỏ Cày Nam Châu Văn Bảy cho biết: Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện GS việc thực hiện chế độ, chính sách, công tác bình nghị hộ nghèo, công tác an sinh xã hội và GS việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư. Tham gia GS với HĐND huyện và các ngành, đoàn thể việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tổ chức GS thông qua hoạt động Ban thanh tra nhân dân, Ban GS đầu tư của cộng đồng ở xã, thị trấn... Qua đó, đã góp ý, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tường Đa Hồ Lê Thắng cho rằng: Để góp phần nâng cao chất lượng công tác GS, PBXH, hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã sẽ chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch GS, PBXH, thống nhất với chính quyền, báo cáo với cấp ủy để tổ chức thực hiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai tổ chức thực hiện đã tạo được chuyển biến bước đầu trong nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng, để hoạt động GS, PBXH trong thời gian tới đạt chất lượng, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác GS, PBXH, xác định đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, một giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân GS, dân thụ hưởng”. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò chủ thể, chủ động làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch GS, PBXH hàng năm. Thực hiện có hiệu quả công tác GS đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt. Phát huy vai trò GS của Ban thanh tra nhân dân và Ban GS đầu tư của cộng đồng ở địa phương.

Mỗi cán bộ, công chức đang làm công tác Mặt trận phải tự nỗ lực, đổi mới nội dung phương thức hoạt động; phát huy sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả, tâm huyết, trách nhiệm vì nhân dân. Kịp thời khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam; công khai kết quả GS, PBXH của MTTQ Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Công tác PBXH được MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai thực hiện, đã góp phần nâng cao chất lượng các đề án, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh đã tổ chức PBXH 181 văn bản dự thảo (tỉnh 63, huyện 17, xã 101). Các ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung chỉnh sửa hoàn thiện nội dung báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

(Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng)

Bài, ảnh: P.Tuyết

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN