Một số quy định về xử
phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Điều 20: Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng;
thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn
công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm
môi trường
1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định
về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với
hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu
chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh
cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương
mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
c) Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải,
bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch
vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải
rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô
thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
2. Phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với hành vi điều
khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc
để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
3. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không
sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu,
vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
4. Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi không
phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng
hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom,
vận chuyển và xử lý theo quy định.
5. Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi không
phân loại, không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định;
không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường
cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; không báo
cáo định kỳ về tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Điều 28: Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi
công cộng, khu đô thị, khu dân cư
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết quy định
về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng.
2. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hoạt động quản
lý công viên, khu vui chơi, giải trí, lễ hội, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe,
bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có một trong các hành vi
sau đây:
a) Không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện,
thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy
định;
b) Không thu gom chất thải trong phạm vi quản lý theo quy
định.
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi
trường
Nghị định cũng quy định rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính của Chủ tịch UBND các cấp. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của
Công an nhân dân, Thanh tra chuyên ngành, các lực lượng khác. Phân định thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; chuyển hồ sơ
vụ việc có dấu hiệu tội phạm về môi trường để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thủ tục tước quyền sử dụng
giấy phép môi trường có thời hạn, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị buộc
áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm và trách nhiệm của các cơ quan
có liên quan. Kiểm tra, thanh tra và xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm
hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Quy định về biên bản, thẩm quyền lập
biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Công bố công khai thông tin; thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp công khai
thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường…