BDK - Trong thời gian qua, hoạt động du lịch (DL) huyện Châu Thành có bước phát triển đáng kể về số lượng và quy mô các khu, điểm, cơ sở dịch vụ DL, thu hút du khách ngày càng nhiều. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động DL có một phần mang tính tự phát đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Điều này đặt ra vấn đề về việc cần có sự định hướng phát triển DL gắn với bảo vệ môi trường để phát triển DL bền vững tại địa phương.
Đoàn Farmtrip tham quan điểm du lịch Làng Xanh, huyện Châu Thành.
Định hướng phát triển du lịch xanh
Trong năm 2023, DL Châu Thành đã đón khoảng 1 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ khách DL đạt trên 915 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 43 cơ sở, doanh nghiệp lớn, nhỏ hiện đang hoạt động lĩnh vực kinh doanh DL. Tiêu biểu có các điểm DL có quy mô lớn chủ yếu tập trung các xã ven sông Tiền như: Khu nghỉ dưỡng Forever Green Resort, khu DL Cồn Phụng, DL Làng Bè, Làng ẩm thực sinh Bến Sông Quê, DL Làng Xanh, Quốc Phương Riverside, homestay Nghênh Xuân...
Ngoài ra, huyện còn có các điểm có hoạt động lưu trú đã khai thác mô hình DL cộng đồng kết nối với các hộ dân (chủ yếu các vườn cây trái theo mùa vụ) đang hoạt động có hiệu quả: DL Hồng Thái, Nghênh Xuân, Quốc Phương, Vila De Coco, Bảo Thạch… Huyện chọn xã Tân Phú, huyện Châu Thành để xây dựng mô hình DL cộng đồng, hoạt động theo quy chế thống nhất sản phẩm từng hộ tham gia mô hình. Đến đây du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm các vườn cây trái, thưởng thức ẩm thực địa phương.
Huyện Châu Thành đã tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch phát triển DL cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, kế hoạch phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, phong tục, tập quán của người dân bản địa; bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, xây dựng môi trường DL thân thiện gắn với chương trình phát triển DL nông thôn trong xây dựng NTM, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để giới thiệu, quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt
Theo TS. Phan Thị Ngàn (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), trong DL cộng đồng, cộng đồng dân cư địa phương là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách DL và chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên DL và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển DL tạo ra. Du lịch cộng đồng là một trong những cách tốt nhất vừa làm DL vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, sử dụng dịch vụ tại chỗ và tôn trọng văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, việc phát triển DL cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ như: Tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách DL, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chưa đồng đều, hạ tầng tiếp cận các điểm DL chưa thực hiện đồng bộ, cơ sở vật chất (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, quầy hàng lưu niệm…). Tại nhiều điểm DL chưa được đầu tư đúng chuẩn, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường ở một số nơi ít được chú trọng.
Theo Thạc sĩ Phan Bửu Toàn (Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn), trong phát triển DL thì vấn đề con người vẫn là cốt lõi, quan trọng nhất. Cần có sự đào tạo tập trung cho đội ngũ làm DL tại cơ sở. Đối với người dân làm DL cần có sự gần gũi theo hướng “cầm tay chỉ việc” để không chỉ tập huấn, trang bị kiến thức mà còn hướng dẫn, giúp đỡ trong các vấn đề cụ thể tại điểm. Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh cần nắm lại thực trạng trình độ của đội ngũ nhân sự làm DL cơ sở để tập trung cho đào tạo một cách trọng điểm, có lộ trình đào tạo sát với thực tế tại cơ sở.
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động DL, các địa phương cũng như các điểm DL cần quan tâm trang bị để bảo vệ môi trường trong DL như: nơi chứa rác, thùng rác, nước kênh rạch. Đa số các điểm DL tại địa phương hiện gặp khó khăn khi không nằm trên tuyến thu gom rác thải tập trung. Vì vậy, có thể tiến hành phân loại rác để giảm lượng rác thải ra môi trường.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết: Hoạt động DL cần khai thác có trách nhiệm đối với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, tài nguyên bản địa. Từ đó, có sự đầu tư, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nói chung cũng như trang bị, nâng chất cơ sở vật chất tại điểm để phục vụ DL. Hơn hết, con người là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển DL, đặc biệt là với DL cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường. Đội ngũ nhân lực làm DL ở các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước hiện đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại các khu, điểm DL, do đặc điểm thường xuyên dịch chuyển, một bộ phận làm việc ngắn hạn, chưa được đào tạo nhiều. Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ phối hợp với địa phương để tập huấn, nâng cao chất lượng cho đội ngũ lao động trực tiếp này. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc đến yếu tố môi trường kinh doanh DL, cần xây dựng môi trường kinh doanh DL với sự cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển ngành DL tỉnh.
UBND huyện Châu Thành phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội thảo “Phát triển DL cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành”. Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành, DL và cơ quan báo chí, truyền thông.
Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến đánh giá, nhận định, chia sẻ và đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị kinh doanh DL. Tập trung vào các nội dung như: thực trạng và giải pháp phát triển DL cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành; các mô hình DL cộng đồng, DL nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu trên địa bàn huyện Châu Thành thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; những giải pháp, cách làm hay trong phát triển DL cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường; những điển hình về phát triển DL gắn với bảo vệ môi trường…